RCEP - Cơ hội cho xuất khẩu của Đắk Nông
Kinh tế - Ngày đăng : 08:50, 05/05/2022
Rộng mở thị trường
Hiệp định RCEP có 15 nước tham gia, gồm: 10 nước ASEAN và Nhật Bản, New Zealand, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc. Hiệp định tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, với thị trường tiêu thụ quy mô 2,2 tỷ người (chiếm 30% dân số thế giới).
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, RCEP tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa mới. RCEP có các điều khoản cam kết cắt giảm thuế quan, thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại.
Ngoài ra, Hiệp định này cũng có những cam kết “phi truyền thống” về sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa... Vì thế, việc thực thi RCEP sẽ tạo khuôn khổ pháp lý ràng buộc khá toàn diện, công bằng.
Sản phẩm chanh dây của Đắk Nông đang được xuất khẩu qua thị trường của các nước trong Hiệp định RCEP |
Trong vòng 20 năm tới, RCEP sẽ tiến tới loại bỏ 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia. Hiệp định sẽ thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại, quyền sở hữu trí tuệ.
RCEP sẽ mang lại những lợi thế khác cho doanh nghiệp như cắt giảm chi phí, thời gian khi xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia ký kết thỏa thuận nào; hàng hóa không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng nước.
Theo nhận định của ngành Công thương, doanh nghiệp Đắk Nông cần phải tận dụng cơ hội RCEP. Trong đó, các doanh nghiệp phải vượt qua những "rào cản" của thị trường để đưa các mặt hàng thế mạnh của tỉnh thâm nhập sâu vào những thị trường của RCEP.
Sớm tận dụng cơ hội
Thực thi RCEP, nhiều loại thuế suất được hạ xuống bằng 0%. Điều này đã tạo thuận lợi cho nông sản Đắk Nông khi tham gia xuất khẩu hàng hóa ở ASEAN và 5 nước thuộc RCEP.
Theo Sở Công thương, quý I/2022, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 258 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 22% kế hoạch. Đây là con số tăng trưởng ấn tượng trong điều kiện chung của chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn chưa có nhiều điểm sáng.
Một số doanh nghiệp đã nắm bắt cơ hội từ RCEP để xuất khẩu hàng hóa một cách thuận lợi. Chẳng hạn, Công ty TNHH Thái Thịnh (Đắk Song) đang tập trung đầu tư phát triển thêm nhiều sản phẩm mới để xuất khẩu vào thị trường RCEP.
Trong đó, công ty lấy hai mặt hàng chính là sầu riêng và chanh dây làm chủ đạo. Năm 2022, công ty sẽ phát triển thêm sản phẩm bơ cấp đông. Sang năm 2023, công ty sẽ chế biến thêm mặt hàng mít, khoai lang, thanh long phục vụ xuất khẩu vào thị trường RCEP…
Chanh dây được đóng chai cấp đông tại Công ty TNHH Thái Thịnh (Đắk Song) |
Theo ông Nguyễn Hàm Thái, Giám đốc Công ty, ngoài các thị trường như: Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc… công ty đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường ở các nước nằm trong RCEP.
Theo ông Lê Minh Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương), vừa qua, Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực thi Hiệp định RCEP.
Trong đó, các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp được tỉnh xây dựng phù hợp với các cam kết quốc tế. Tỉnh cũng chuẩn bị những giải pháp ứng phó, chính sách hỗ trợ đối với những ngành hàng chịu tác động lớn, trực tiếp từ việc thực thi RCEP.
Đắk Nông sẽ tập trung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, hình thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết…, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.
Các chương trình xúc tiến thương mại đầu tư tại các nước tham gia Hiệp định RCEP sẽ được tỉnh đẩy mạnh. Từ đó, tỉnh thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp về cơ hội, lợi thế đầu tư, xuất khẩu của tỉnh.
Tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài. Qua đó, tỉnh phát triển quan hệ thương mại, thu hút nguồn vốn các nước thành viên RCEP vào những lĩnh vực trọng điểm của Đắk Nông.