Cần hỗ trợ nông dân kỹ thuật tái canh cà phê
Kinh tế - Ngày đăng : 10:05, 16/05/2022
Năm 2022, toàn tỉnh sẽ thực hiện tái canh 3.386 ha cà phê. Diện tích cà phê tái canh tập trung nhiều tại các địa bàn trọng điểm như Đắk Mil, Đắk Song, Gia Nghĩa, Krông Nô...
Gia đình ông Nguyễn Văn Tiến ở thôn 10, xã Trường Xuân (Đắk Song), tái canh gần 2 ha cà phê bằng hình thức ghép chồi loại cà phê dây. Đến nay, vườn cà phê của gia đình ông bước vào năm thứ tư, cây phát triển khỏe, cành phủ kín.
Ông Tiến cho hay: “Năm vừa rồi mới bước vào thu hoạch chính, nhưng năng suất cà phê của gia đình đạt 3 tấn/ha, cao hơn 1,5 tấn so với lúc chưa tái canh”.
Ông Nguyễn Văn Vinh, xã Trường Xuân (Đắk Song), sử dụng giống cà phê dây để ghép cải tạo vườn cà phê già cỗi |
Còn gia đình ông Đào Thanh Tùng, ở thôn Đắk Quoeng, xã Quảng Tân (Tuy Đức), cũng tái canh 1,8 ha cà phê. Đến nay, năng suất vườn cà phê của ông đạt 3,7 tấn/ha, cao hơn rất nhiều so với trước.
Theo ông Tùng, quá trình tái canh, ông đã thực hiện đầy đủ các khâu về cày đất, rà rễ, phơi đất, bón lót bằng phân chuồng kết hợp phân lân, vôi. Nhờ đó, vườn cà phê của ông đã trở nên rất khỏe mạnh.
Ðến hết năm 2021, toàn tỉnh đã tái canh 23.104,25 ha cà phê. Trong đó, diện tích cà phê trồng mới hơn 19.259,51 ha; ghép cải tạo đạt 3.844 ha. Ða số diện tích cà phê tái canh đều được người dân trồng bằng giống mới, nên năng suất, chất lượng sản phẩm được cải thiện rõ rệt. |
Theo Sở NN – PTNT, Chương trình tái canh cà phê đã giúp trẻ hóa diện tích cà phê của tỉnh. Hầu hết các vườn cà phê tái canh đều có năng suất từ 3 - 4 tấn/ha, cao hơn từ 0,5 - 1,5 tấn/ha so với cà phê cũ.
Cà phê tái canh cũng đem lại thu nhập cao hơn cho người dân so với trước từ 20 - 60 triệu đồng/ha. Chất lượng sản phẩm cà phê tái canh cũng được nâng cao rất nhiều.
Tái canh cũng giúp Đắk Nông giữ ổn định diện tích cà phê trong bối cảnh cạnh tranh giữa các loại cây trồng diễn ra mạnh mẽ tại các địa phương. Thế nhưng, không phải người dân nào cũng thành công khi tái canh cà phê.
Năm 2021, huyện Đắk Mil là địa phương có diện tích cà phê tái canh lớn nhất tỉnh, với 1.050 ha, trong đó trồng mới là 965, ghép cải tạo 85 ha. Tuy nhiên, có không ít diện tích cà phê tái canh của huyện phát triển kém.
Theo ông Hồ Văn Hoan, ở thị trấn Đắk Mil, tái canh cà phê phải làm đúng quy trình từ khâu giống, cải tạo đất, bổ sung dinh dưỡng, triệt tiêu mầm bệnh thì vườn cây mới phát triển tốt.
Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn có nhiều người dân chưa áp dụng đúng quy trình kỹ thuật khi tái canh, khiến vườn cà phê phát triển kém, đạt hiệu quả không cao.
Cơ sở cây giống cà phê Mỹ Cường, xã Thuận An (Đắk Mil), chuyên ghép chồi cà phê dây cung cấp cho người dân tái canh |
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, việc tái canh cà phê đòi hỏi phải đúng quy trình kỹ thuật, đúng định mức thì mới đạt hiệu quả. Kết quả đánh giá của Trung tâm trong các giai đoạn triển khai tái canh cà phê cho thấy, có khá nhiều nông hộ thực hiện tái canh cà phê có tỷ lệ thành công chưa cao.
Nguyên nhân chính vẫn là do bà con chưa nắm vững quy trình kỹ thuật, chưa có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề xử lý đất, chọn giống trước tái canh.
Từ thực tế đó, để vườn cà phê tái canh phát triển bền vững, ngành chức năng cần tiếp tục hỗ trợ người dân về nhiều mặt, nhất là khâu chuyển giao các quy trình kỹ thuật trong chăm sóc cây cà phê.
Người dân cũng cần chủ động nguồn giống chất lượng, áp dụng các quy trình kỹ thuật trong quá trình tái canh vườn cà phê của mình. Để từ đó, bà con có thể nâng cao hiệu quả tái canh cà phê.