Cây ca cao phát triển chưa xứng với tiềm năng

Kinh tế - Ngày đăng : 08:04, 31/05/2022

Sản phẩm ca cao ở Việt Nam được đánh giá có chất lượng hàng đầu thế giới. Tại Đắk Nông, chất lượng ca cao cũng thuộc diện hàng đầu cả nước. Thế nhưng, thực tế sản xuất, loại cây trồng này vẫn chưa được quan tâm nhiều, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Đắk Nông là một trong 3 tỉnh ở Tây Nguyên được Bộ NN - PTNT quy hoạch phát triển ca cao. Cây ca cao bắt đầu được trồng tại Đắk Nông từ khoảng năm 2006 ở một số địa bàn như Cư Jút, Đắk Mil, Krông Nô, Đắk R’lấp.

Khoảng năm 2011-2013, từ sự cạnh tranh của một số loại cây trồng khác, cùng sản lượng thấp, nên nhiều nơi, nông dân bắt đầu chặt bỏ cây ca cao, chuyển đổi sang trồng các loại cây khác.

Cùng với đó, chính sách hỗ trợ, phát triển cây ca cao chưa nhiều, chưa đủ mạnh để thúc đẩy sản xuất loại cây trồng này. Điều này, khiến cho diện tích ca cao trên địa bàn tỉnh dần sụt giảm.

Theo thống kê của Sở NN - PTNT, năm 2018, diện tích ca cao của tỉnh là 490 ha, sản lượng 574 tấn. Đến năm 2020, diện tích ca cao giảm xuống còn 365 ha, sản lượng 461 tấn. Cuối năm 2021, toàn tỉnh chỉ còn 363 ha ca cao, sản lượng 450 tấn.

Nhiều người chặt bỏ ca cao. Thế nhưng, cũng có nhiều người vẫn gắn bó với cây trồng này. Ông Trần Văn Quân, thôn Lương Sơn, xã Nam Xuân (Krông Nô) cho biết, gia đình ông trồng ca cao từ 14 năm nay.

Ban đầu, ông trồng ca cao xen trong vườn hồ tiêu. Sau đó, ông nhận thấy những lợi ích từ ca cao, nên đã mở rộng diện tích. Hiện gia đình ông có 2 ha ca cao kinh doanh, đạt mức sản lượng khoảng 6 tấn hạt nhân khô/năm.

Vườn ca cao của ông Trần Văn Quân, xã Nam Xuân (Krông Nô) cho thu nhập ổn định 14 năm nay

Với giá bán hiện khoảng 70 triệu đồng/tấn hạt, mỗi năm gia đình ông thu về hơn 400 triệu đồng từ vườn ca cao, trong đó lãi khoảng 300 triệu đồng.

Ông Quân cho biết, cây ca cao hơi kỹ tính, nhưng cũng không khó để chăm sóc. Ví dụ, ca cao cần nước vào mùa khô, nhưng lượng nước phải ít, chỉ bằng khoảng 1/5 so với cây cà phê.

Vườn ca cao phải có cây che bóng mát ở giai đoạn đầu. Vườn cây phải được bón phân cân đối, không ít, không nhiều quá.

Tại xã Tân Thành (Krông Nô), HTX Nông nghiệp Krông Nô đã tập hợp được 8 xã viên và 100 nông dân trong vùng liên kết để sản xuất ca cao. Theo ông Vũ Văn Nghĩa, Giám đốc HTX, trước đây, nhiều người có quan điểm ca cao chỉ là cây "ăn thêm".

Thế nhưng, qua thực tế sản xuất, HTX đã khẳng định, ca cao là cây trồng có giá trị cao, tiềm năng thị trường trong nước, quốc tế lớn. "Nếu làm đạt chất lượng, hoàn toàn có thể làm giàu bền vững với cây ca cao", ông Nghĩa cho biết.

Sản phẩm chocolate của HTX Nông nghiệp Krông Nô đạt OCOP hạng 3 sao

Hiện nay, HTX đã đầu tư hệ thống nhà xưởng, máy móc và cho ra nhiều sản phẩm như: ca cao bột nguyên chất, chocolate đen và trắng… Phần lớn các sản phẩm của HTX ngày càng được đánh giá cao.

Theo Bộ NN - PTNT, thời gian qua, mặc dù diện tích có sụt giảm, nhưng ca cao đang có những tín hiệu rất tốt và có nhiều triển vọng. Đặc biệt, hạt ca cao Việt Nam đã được Tổ chức Ca cao thế giới (ICO) đưa vào danh sách ca cao có hương vị tốt hàng đầu thế giới từ năm 2015.

Hiện trên thế giới có 60 nước sản xuất ca cao, nhưng để đạt được danh hiệu này không phải là nhiều. Đây là lợi thế rất lớn để Việt Nam tham gia vào các nước sản xuất ca cao hương vị chất lượng cao.

Đắk Nông hiện có 3 dòng sản phẩm ca cao đạt chứng nhận OCOP hạng 3 sao gồm: ca cao bột Hương Quê Đắk Nông của Công ty TNHH MTV Cà phê Hương Quê Đắk Nông (Đắk Mil); ca cao bột Duy Nghĩa và chocolate Duy Nghĩa của HTX Nông nghiệp Krông Nô.

Nhiều địa bàn vẫn duy trì diện tích ca cao khá tốt. Nhiều gia đình có thu nhập cao từ loại cây trồng này. Thị trường tiêu thụ ca cao của Đắk Nông thời gian qua cũng ổn định. Tuy nhiên, so với tiềm năng và thực trạng nêu trên, cây ca cao vẫn chưa được quan tâm nhiều, diện tích hiện nay còn khá khiêm tốn. Đây là những lý do để các cấp, các ngành cần quan tâm nhiều hơn đối với loại cây trồng này.

Bài, ảnh: Hồng Thoan