Tăng cường phòng ngừa sâu bệnh cây trồng vụ hè thu
Kinh tế - Ngày đăng : 08:43, 07/07/2022
Theo Chi cục Phát triển Nông nghiệp, tính đến đầu tháng 7/2022, nông dân trên địa bàn tỉnh đã xuống giống 45.474 ha cây trồng các loại, đạt 73,73% kế hoạch. Trong đó, lúa 5.722 ha, ngô 21.310 ha, đậu các loại 3.576 ha, khoai lang 2.503 ha, rau 2.316 ha…
Trong những ngày qua, thời tiết trên địa bàn tỉnh diễn biến khá thuận lợi, phù hợp với điều kiện sinh trưởng, phát triển của các loại cây trồng. Tuy nhiên, nhiều đối tượng sâu hại cũng phát sinh, gây hại cho cây trồng như: rầy nâu, rầy xanh đuôi đen, rầy lưng trắng...
Ruộng ngô của ông Long Văn Nghiêm, thôn Thanh Xuân, xã Ea Pô (Cư Jút) bị sâu keo mùa thu tấn công |
Tại một số địa phương, tình trạng bọ trĩ xuất hiện gây hại trên cây lúa ở giai đoạn mạ và đẻ nhánh. Đối với cây ngô, nhiều loại sâu hại như sâu xám, sâu khoang, sâu keo mùa thu... xuất hiện, gây hại nhiều diện tích.
Gia đình ông Long Văn Nghiêm, thôn Thanh Xuân, xã Ea Pô (Cư Jút), vụ này gieo trồng 7 sào ngô. Theo ông Nghiêm, thời tiết khá thuận lợi cho cây trồng, nhưng lại phát sinh nhiều sâu bệnh.
Trong đó, sâu keo mùa thu gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng, phát triển của cây ngô. Những ruộng ngô phòng trừ sâu keo không hiệu quả sẽ bị thiệt hại rất nặng. Bởi loại sâu này thường tấn công lớp biểu bì mỏng của lá. Chúng cũng ăn đứt phiến lá, đọt non của lá, gân lá và có thể tấn công vào hạt ngô, gây thiệt hại nặng.
Theo ngành chức năng, trên cây cà phê, thời gian qua xuất hiện các đối tượng gây hại như: rỉ sắt, đốm mắt cua, thán thư, rệp các loại... Trên cây tiêu, đến nay, toàn tỉnh có 13 ha tiêu bị nhiễm bệnh. Trong đó, nhiễm nhẹ và trung bình 10 ha, nhiễm nặng 3 ha.
Ngoài ra, trên các loại cây trồng khác như sầu riêng, bơ, xoài, cam quýt…, bệnh thối thân, đốm lá, thán thư, rầy rệp các loại cũng xuất hiện rải rác, tỷ lệ hại thấp.
Người dân xã Buôn Choáh (Krông Nô) phun thuốc bảo vệ thực vật sinh học phòng, trừ sâu hại cho lúa hè thu |
Để bảo đảm an toàn sản xuất, Sở NN – PTNT đã yêu cầu các địa phương nắm chắc kế hoạch sản xuất, tình hình sâu bệnh trên cây trồng. Các địa phương cần tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho nông dân các biện pháp phòng, trừ dịch hại hiệu quả.
Trong đó, các địa phương cần hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, trừ các loại sâu hại nguy hiểm như: châu chấu, sâu keo mùa thu; bệnh chổi rồng, bệnh khảm lá, rệp sáp bột hồng trên cây sắn; bệnh thán thư, bọ xít muỗi, sâu róm trên cây điều; sâu ăn lá trên cây cà phê…
Về phía bà con nông dân cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc "4 đúng"; tăng cường phân bón hữu cơ cho cây trồng. Bà con cần áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất để đẩy lùi dịch hại, bảo vệ mùa màng đạt kết quả cao.
Bên cạnh đó, tại các vùng sản xuất, ngành Nông nghiệp cần triển khai ứng dụng hiệu quả các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên các loại cây trồng cạn, canh tác lúa theo phương pháp “3 giảm, 3 tăng” (ICM)…