Mã số vùng trồng - Điều kiện cần để nông sản xuất ngoại
Kinh tế - Ngày đăng : 09:12, 14/07/2022
Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Yến Nhi (Tuy Đức) hoạt động trong lĩnh vực chế biến, đóng gói trái cây đông lạnh. Hiện Công ty đang sơ chế, đóng gói các loại trái cây như: chuối, thanh long, mít, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, dưa hấu... để xuất khẩu.
Quá trình hoạt động, Công ty đã được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cấp mã số cơ sở đóng gói, với ký hiệu VN - DNOPH - 007. Điều này giúp Công ty thuận lợi hơn trong việc chứng minh chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của đối tác.
Ngoài ra, Công ty xây dựng mô hình sản xuất khép kín từ khâu vệ sinh an toàn thực phẩm, đến khâu sơ chế, đóng gói sản phẩm... Công ty đáp ứng nguồn nguyên liệu đóng gói sạch, có truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu.
Theo ông Vũ Đình Chiện, Phó Giám đốc Công ty, mã số cơ sở đóng gói nông sản là yêu cầu bắt buộc của các thị trường và thông lệ quốc tế. Muốn có mã số, phải đáp ứng khá nhiều điều kiện khắt khe, nhất là hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm...
Do đó, Công ty đã không ngừng nâng cấp trang thiết bị, áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Từ đó, sản phẩm của Công ty luôn bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, đáp ứng yêu cầu của bên nhập khẩu. Điều này cũng giúp Công ty được cấp mã số đóng gói.
Còn đối với vùng trồng xoài Đắk Gằn (Đắk Mil) có mã số VN - DN00R - 0038, hiện đang hoạt động hiệu quả, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu. Đắk Gằn có khoảng 88 ha xoài thuộc diện được cấp mã vùng trồng.
Để được cấp mã số cơ sở đóng gói, đòi hỏi các đơn vị sản xuất phải vượt qua nhiều điều kiện khá nghiêm ngặt |
Theo UBND huyện Đắk Mil, việc áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là một trong những yếu tố quan trọng để xoài Đắk Gằn được cấp mã số vùng trồng.
Sau khi được cấp mã số, vùng sản xuất xoài của Đắk Gằn đã thay đổi khá toàn diện. Trong đó, thay đổi lớn nhất là việc tiêu thụ sản phẩm xoài trở nên tốt hơn. Nhiều thị trường khó tính như châu Âu, Úc, Mỹ... cũng đã chấp nhận sản phẩm xoài Đắk Gằn.
Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá các vùng trồng trọt tập trung, cơ sở đóng gói sản phẩm trái cây tại các huyện, thành phố.
Mục tiêu của ngành Nông nghiệp là thiết lập các vùng trồng, cơ sở đóng gói sản phẩm có chất lượng tốt. Từ đó, ngành Nông nghiệp hỗ trợ các vùng sản xuất, cơ sở đóng gói triển khai các bước để được cấp mã số.
Ngành Nông nghiệp sẽ quy hoạch, hỗ trợ cấp mã số vùng trồng tập trung cho từ 4 - 6 loại cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, tiềm năng xuất khẩu như: sầu riêng, bơ, xoài, mắc ca, điều…
Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2 vùng trồng, 3 cơ sở đóng gói sản phẩm trái cây đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số và đang hoạt động hiệu quả.
Hiện ngành chức năng đang hướng dẫn cho 7 vùng sản xuất, 1 cơ sở đóng gói sản phẩm trái cây đăng ký mã số. Ngoài hướng dẫn về mặt thủ tục, ngành chức năng quan tâm hỗ trợ về đầu tư hạ tầng, thiết bị và nhiều yếu tố khác cho các vùng sản xuất, cơ sở đóng gói trái cây.
Tuy nhiên, hiện nay, những yêu cầu về xây dựng, cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói là rất nghiêm ngặt, nhất là những quy định của các nước nhập khẩu trái cây của Việt Nam.
Bên cạnh đó, người dân vẫn chưa có ý thức trong việc chấp hành các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm để được cấp mã số. Điều này dẫn đến nhiều khó khăn trong việc xin cấp mã số cho vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Tỉnh Đắk Nông đã đề nghị Cục Bảo vệ thực vật quan tâm, tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ phụ trách lĩnh vực tham mưu cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Qua đó, giúp các đơn vị, cá nhân nắm được các quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và tuân thủ theo.