Thúc đẩy chăn nuôi heo an toàn sinh học
Kinh tế - Ngày đăng : 09:02, 09/08/2022
Trang trại chăn nuôi heo của anh Nguyễn Văn Hưởng, ở xã Đắk Sin (Đắk R’lấp) có quy mô hàng trăm con heo nái, heo thịt/năm. Trang trại được xây dựng tách biệt hoàn toàn với khu dân cư.
Toàn bộ khu chuồng trại được thường xuyên dọn dẹp sạch sẽ, chăm sóc theo đúng quy trình an toàn dịch bệnh. Ngoài ra, chất thải từ chuồng luôn được trang trại xử lý qua hệ thống biogas, sau đó cho phơi khô, đóng bao để sử dụng làm phân bón.
Theo chủ trang trại, hoạt động chăn nuôi heo của trang trại được triển khai theo hướng ATSH và đem lại nhiều lợi ích, giảm thiểu các thiệt hại về dịch bệnh, môi trường.
Trang trại heo của HTX Đồng Tiến, xã Đắk Sin (Đắk R’lấp), nhiều năm nay cũng áp dụng quy trình chăn nuôi ATSH. Trang trại luôn duy trì hơn 5.000 con heo các loại. Qua nhiều đợt dịch bệnh bùng phát, nhưng đàn heo của trang trại vẫn an toàn.
HTX Đồng Tiến đầu tư hệ thống trang trại bài bản, quy mô lớn để chăn nuôi heo |
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Giám đốc HTX Đồng Tiến, chăn nuôi theo quy trình ATSH không hề dễ. Quy trình này phải đồng bộ nhiều khâu, kết nối nhiều giai đoạn từ đầu tư hạ tầng, nhập vật tư cho đến quá trình chăn nuôi, xuất bán heo ra thị trường.
Theo đó, giống heo chỉ nhập ở vùng không có dịch, được kiểm nghiệm chất lượng. Giai đoạn mới nhập về, heo giống được trang trại nuôi nhốt riêng để theo dõi sức khỏe.
Đối với heo thịt, HTX luôn sử dụng xe chuyên dụng để vận chuyển đi giao cho khách hàng. Người, phương tiện ra vào trang trại luôn được HTX kiểm soát chặt chẽ.
Những trường hợp công nhân, kỹ thuật viên muốn vào trại phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ theo dõi, giám sát cả việc đi lại, ăn uống. Trang trại thường xuyên thực hiện việc tiêu độc, khử trùng bằng vôi bột, dung dịch sát trùng.
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, chăn nuôi heo theo quy trình ATSH đem lại nhiều hiệu quả về kinh tế, bảo vệ môi trường, an toàn dịch bệnh, nâng cao giá trị sản phẩm.
Triển khai quy trình này đang góp phần nâng cao hiệu quả quá trình tái cơ cấu ngành chăn nuôi heo của tỉnh. Tuy nhiên, thời gian qua, chăn nuôi heo ATSH mới chỉ dừng lại ở các trang trại, gia trại quy mô lớn, chưa tới được các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Do vậy, muốn đạt kết quả tốt hơn nữa, ngành Nông nghiệp, các địa phương cần tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, tuyên truyền lợi ích chăn nuôi ATSH cho người dân.
Dịch tả heo châu Phi chủ yếu xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ |
Từ năm 2019 đến nay, Sở NN-PTNT đã có văn bản hướng dẫn người dân về các biện pháp chăn nuôi heo ATSH, phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, người chăn nuôi cần tuân thủ tốt các nhóm yêu cầu quan trọng gồm: chuồng trại, thiết bị, con giống, thức ăn, nước uống, chăm sóc, vệ sinh chăn nuôi, xử lý chất thải, quản lý dịch bệnh...
Ngoài ra, các nông hộ, trang trại còn được khuyến cáo sử dụng các chế phẩm sinh học trong chăn nuôi heo. Bà con nên hạn chế sử dụng thức ăn chăn nuôi công nghiệp cho heo ăn.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại 6/8 huyện, thành phố trong tỉnh, với tổng số heo mắc bệnh, phải tiêu hủy là 900 con. Số heo bị bệnh đều ở các hộ nhỏ lẻ, chăn nuôi không bảo đảm ATSH.
Do đó, các cấp, ngành, người chăn nuôi cần chú ý hơn đến việc áp dụng các quy trình về chăn nuôi ATSH để bảo đảm thu nhập, cung cấp hàng hóa an toàn cho thị trường.
Theo số liệu của ngành chức năng, tổng đàn heo của tỉnh hiện đạt mức khoảng 250.000 con. Toàn tỉnh có 276 cơ sở chăn nuôi heo ở quy mô trang trại, trong đó có 14 trang trại chăn nuôi từ 1.500 con/lứa. |