Công nghiệp nông thôn tự tin hướng tới xuất khẩu
Kinh tế - Ngày đăng : 09:28, 07/10/2022
Tiếp cận đối tác nước ngoài
Tháng 7 vừa qua, cơ sở sản xuất mắc ca Minh Phong (Đắk Song) có cơ hội tham gia Chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu Đà Nẵng.
Cơ sở mang đến Chương trình các sản phẩm OCOP hạng 3 sao và công nghiệp nông thôn tiêu biểu để quảng bá, giới thiệu với các đối tác, nhất là đối tác nước ngoài.
Tại Chương trình, ngoài việc được gặp gỡ, trao đổi về giá cả, chất lượng, cơ sở đã xuất khẩu được 3 tấn mắc ca cho các đối tác. Từ khởi đầu này, cơ sở đang tiếp tục hoàn thiện quy mô, quy cách để xuất khẩu trực tiếp sản phẩm mắc ca.
Sản phẩm của Đắk Nông tham gia tại Chương trình kết nối giao thương với các doanh nghiệp xuất khẩu ở Đà Nẵng |
Bà Vũ Thị Hiền, chủ cơ sở cho biết, quy trình tham gia xuất khẩu rất phức tạp, thị trường cũng khắt khe. Vì vậy, bà mong muốn được tham gia nhiều hơn nữa các chương trình xúc tiến thương mại quốc tế.
"Tôi muốn được tận mắt xem, hiểu được thị trường, nhu cầu, quy cách đóng gói của họ, để có sự chuẩn bị tiếp cận phù hợp nhất đối với thị trường xuất khẩu”, bà Hiền chia sẻ.
Công ty TNHH MTV sản xuất, thương mại và dịch vụ Vương Anh (Gia Nghĩa) chuyên cung ứng sản phẩm mắc ca cho thị trường TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội, với sản lượng 3 tấn/tháng.
Mới đây, khi tham gia Chương trình xúc tiến thương mại tại Đà Nẵng, Công ty đã ký được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm mắc ca với Công ty TNHH D&W Partners của Hàn Quốc.
Sản phẩm mắc ca của Công ty TNHH MTV Sản xuất, thương mại, dịch vụ Vương Anh (Gia nghĩa) đang cung ứng cho 1 nhà phân phối ở Hàn Quốc |
Hợp đồng giúp Công ty cung ứng cho đối tác với đơn hàng giá trị 100 triệu đồng/tháng. Dù chưa phải là hợp đồng lớn, nhưng khởi đầu thuận lợi này đang giúp Công ty tự tin hướng tới thị trường xuất khẩu.
Công ty sẽ đầu tư nhiều hơn về mẫu mã lẫn chất lượng sản phẩm, đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu qua nhiều nước trên thế giới.
Đánh giá về nhu cầu tiêu thụ
Theo Sở Công thương, từ đầu năm đến nay, tỉnh Đắk Nông đã tổ chức cho 41 lượt doanh nghiệp tham gia 4 đợt kết nối giao thương, hội chợ để giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn.
Thông qua các chương trình, nhiều sản phẩm của Đắk Nông đã kết nối với các đơn vị là doanh nghiệp xuất khẩu, tổ chức xúc tiến thương mại, hệ thống siêu thị, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ hiện đại...
Nhiều chương trình kết nối giao thương được ngành Công thương triển khai giúp doanh nghiệp tiếp cận với đối tác trong và ngoài nước |
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã ký kết được 12 biên bản, hợp đồng ghi nhớ hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp với các đối tác. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các sản phẩm như: bơ, xoài, cam, quýt núi lửa, dưa lưới, rau, củ, quả hữu cơ, mắc ca, ca cao, sô cô la…
Các sản phẩm của tỉnh Đắk Nông tham gia kết nối giao thương đa dạng về chủng loại, với các sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của tỉnh. Phần lớn sản phẩm được các doanh nghiệp xuất khẩu, nhà phân phối, tiêu thụ đánh giá cao về mẫu mã bao bì, chất lượng.
Các doanh nghiệp phân phối tham gia kết nối, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm của tỉnh đều có tiềm lực lớn, uy tín và có hệ thống phân phối rộng khắp cả nước.
Nổi bật như Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam, Công ty TNHH MTV Hội nhập phát triển Đông Hưng, Bách Hóa Xanh, Aeon Citimart, Centralretail (Bigc), Liên hiệp HTX Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (SaiGon Co.op), chợ đầu mối Thủ Đức...
Đồ họa: N.Hiền - L.Dung |
Thông qua chương trình kết nối giao thương, các doanh nghiệp của tỉnh có cơ hội tốt để trao đổi, học tập kinh nghiệm, quảng bá thương hiệu sản phẩm. Từ đó giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ.
Từ các chương trình cũng cho thấy, nhu cầu thu mua, tiêu thụ các sản phẩm trong lĩnh vực nông sản của các đơn vị phân phối là rất lớn. Trong đó cũng đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng, nghiêm ngặt giữa các doanh nghiệp tham gia kết nối, hướng đến sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước, xuất khẩu.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, tham gia các chương trình hội chợ, kết nối giao thương là tiền đề cho mối liên kết chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản.
Đây cũng là định hướng phát triển mà ngành Công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh Đắk Nông hướng đến với các thị trường mục tiêu lớn trong nước và xuất khẩu.
Trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh thực hiện được 761 triệu USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước và đạt 65% kế hoạch năm. Một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao như: cà phê nhân tăng 16,82%; tiêu đen tăng 34,9%; ván MDF, ván dán tăng 64,6%; alumin tăng 43,3%; các sản phẩm khác tăng 20%. Riêng điều nhân giảm 16,6%. |