Nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm
Kinh tế - Ngày đăng : 08:14, 10/11/2022
Đắk Mil là một trong những địa phương thiên về nông nghiệp. Toàn huyện có gần 50.300 ha đất nông nghiệp, trong đó có trên 28.500 ha cây công nghiệp, hơn 3.000 ha cây ăn quả.
Đến nay, diện tích áp dụng tưới nước tiên tiến, tiết kiệm (tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa) cho cây cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả… trên địa bàn huyện khoảng 700 ha. Ngoài ra, khoảng 200 ha cây sầu riêng, bơ, mắc ca đang áp dụng mô hình này.
Người dân Đắk Mil áp dụng công nghệ tưới nước tiên tiến để chăm sóc vườn rẫy của mình |
Theo Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk Mil Nguyễn Văn Tuấn, huyện là một trong những địa phương khó khăn về nguồn nước tưới. Trong khi đó, diễn biến thời tiết những năm gần đây biến đổi khó lường, tác động không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp.
“Sau một thời gian triển khai, công nghệ tưới nước tiên tiến, tiết kiệm đang ngày càng khẳng định tính hiệu quả. Người dân trên địa bàn đang có xu hướng áp dụng công nghệ này để thay thế cách tưới truyền thống nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu”, ông Tuấn khẳng định.
Tại Đắk Glong, việc áp dụng công nghệ tưới nước tiên tiến, tiết kiệm cũng đang được nhân rộng. Hiện toàn huyện có khoảng trên 700 ha cây trồng (chủ yếu là sầu riêng, bơ, mắc ca và hoa màu) đang áp dụng các công nghệ này.
Công nghệ tưới nước tiên tiến giúp tiết kiệm nước và nhiều chi phí sản xuất nông nghiệp |
Các địa phương đều nhận định, việc áp dụng công nghệ nước tưới tiên tiến, nhỏ giọt có nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường. Qua thống kê, các mô hình này tiết kiệm khoảng 30% lượng nước tưới, khoảng 20 - 30% lượng phân bón và khoảng 70% công lao động.
Việc tưới nước tiết kiệm sẽ hạn chế sâu bệnh và cỏ dại. Năng suất các diện tích cây trồng được tưới nước tiết kiệm tăng từ 10 - 15% so với trước đây.
Qua thống kê, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông xác định, có khoảng trên 3.200 ha cây trồng trên địa bàn tỉnh đang áp dụng tưới nước tiên tiến, tiết kiệm. Diện tích này tập trung chủ yếu ở Đắk Mil (900 ha), Đắk Glong (trên 700 ha), Đắk Song (khoảng 450 ha), Gia Nghĩa (khoảng trên 400 ha)…
Nông dân Đắk Nông đang từng bước áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp |
Theo Sở NN-PTNT, do đặc điểm khí hậu, các loại cây trồng cần nhiều nước tưới trong các tháng mùa khô. Nông dân trên địa bàn chủ yếu tưới nước cho cây trồng theo hình thức tưới dí (tưới vào gốc) hoặc hình thức tưới béc quay.
Đây là cách làm không tốn nhiều chi phí đầu tư nhưng khó kiểm soát và gây lãng phí nguồn nước. So với cách tưới truyền thống, việc tưới nước tiên tiến, tiết kiệm có rất nhiều ưu việt.
Thế nhưng, việc áp dụng công nghệ này cũng gặp một số khó khăn nhất định. Chi phí đầu tư ban đầu khá lớn (khoảng 60 triệu đồng/ha) so với phương pháp truyền thống.
Nhiều khu vực có cơ sở hạ tầng hạn chế, khó áp dụng công nghệ. Trong khi đó, nhận thức của đa số người dân về hiệu quả mang lại của công nghệ này chưa cao nên chưa mạnh dạn đầu tư…
Theo Sở NN-PTNT, trong tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, việc áp dụng công nghệ tưới nước tiên tiến, tiết kiệm mang lại hiệu quả tích cực trong sản xuất nông nghiệp.
Công nghệ này giúp giảm chi phí đầu tư, tiết kiệm công lao động và góp phần thay đổi tập quán của người nông dân. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
“Chúng tôi đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và khuyến khích người dân nhân rộng các mô hình tưới nước tiên tiến, tiết kiệm. Khi diện tích áp dụng công nghệ này được mở rộng, chúng ta sẽ giải quyết căn bản những khó khăn và đánh thức tiềm năng to lớn về nông nghiệp của tỉnh”, lãnh đạo Sở NN-PTNT cho hay.