Tâm Thắng phát triển nghề trồng nấm
Kinh tế - Ngày đăng : 08:49, 24/11/2022
Gia đình chị Nguyễn Thị Thúy Phượng, thôn 4, xã Tâm Thắng, mới đầu tư trồng nấm hơn 1 năm nay. Chị đã tận dụng khu vườn của gia đình để cải tạo thành khu trồng nấm rộng hơn 500 m2.
Theo chị Phượng, trồng nấm có lợi thế thu hồi vốn nhanh, sản xuất được nhiều vụ, với nấm sò là 4 vụ/năm, mộc nhĩ 2 vụ/năm. Sau khi thu hoạch nấm mộc nhĩ, phế phẩm được dùng làm nguyên liệu trồng nấm sò, nên tiết kiệm được chi phí.
Các loại nấm hầu như rất ít dịch bệnh. Trồng nấm quan trọng nhất là các công đoạn xử lý nguyên liệu, vệ sinh khử khuẩn khu vực trồng sau mỗi vụ.
Chị Nguyễn Thị Thúy Phượng, ở thôn 4, xã Tâm Thắng, có thu nhập ổn định từ trồng nấm sò |
Khu trồng nấm phải được che chắn để tránh gió, nhưng cũng phải bố trí các cửa để điều chỉnh ánh sáng theo từng giai đoạn sinh trưởng của nấm. Để điều chỉnh độ ẩm, trong mùa nắng nóng phải tưới nước cho nấm từ 4 - 5 lần/ngày. Còn mùa mưa chỉ cần tưới nước 1 - 2 lần/ngày.
Hiện nay, chị Phượng đang trồng nấm sò, sản lượng bán ra hàng ngày đủ để chị trang trải chi tiêu gia đình, mua nguyên liệu và thuê nhân công để trồng vụ tiếp theo.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm trồng nấm, anh Nguyễn Văn Luân, thôn 5, xã Tâm Thắng, đã đầu tư trại nấm quy mô 2.000m2. Theo anh Luân, trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế khá cao so với một số loại cây nông nghiệp khác.
"Đồng vốn thu hồi nhanh, vì chu kỳ sản xuất nấm chỉ trong vòng 3 tháng. Cụ thể, nấm mộc nhĩ chu kỳ 90 ngày; nấm sò khoảng 45 ngày là có thể cho thu hoạch", anh Luân cho biết.
Trồng nấm mộc nhĩ giúp anh Nguyễn Văn Luân, ở thôn 5, xã Tâm Thắng, có khoản thu nhập 100 triệu đồng/vụ |
Thời điểm này, để phục vụ thị trường cuối năm, anh Luân đang triển khai trồng hơn 30.000 bịch nấm mộc nhĩ. Anh dự tính, sản lượng nấm thu được khoảng 2 tấn.
Hiện nay, giá nấm mộc nhĩ trên thị trường đang ở mức 100.000 đồng/kg. Với mức giá này, trừ chi phí, vụ nấm này anh sẽ có lãi khoảng 100 triệu đồng.
Trại nấm của anh Luân còn tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên, 8 lao động thời vụ, với mức lương 300.000 đồng/người/ngày.
Ông Đỗ Lần, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tâm Thắng cho hay, trên địa bàn xã Tâm Thắng đã có khoảng 20 trại chuyên sản xuất nấm, với quy mô từ 500-2.000m2.
Nghề trồng nấm đã mang lại thu nhập ổn định cho nhiều người dân. Nghề này cũng giúp giải quyết khá nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Nghề trồng nấm giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương |
Cũng theo ông Lần, để giúp người dân sản xuất nấm hiệu quả, địa phương đã xây dựng kế hoạch phát triển nghề nấm theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao.
Hội Nông dân xã Tâm Thắng đã thành lập Tổ hội nghề nghiệp trồng nấm thôn 3. Tổ hội này tập hợp các hộ trồng nấm có kinh nghiệm, giúp các hộ mới vào nghề sản xuất hiệu quả.
Hội Nông dân xã đã giúp các hộ trồng nấm tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư phát triển sản xuất. Trong thời gian tới, xã Tâm Thắng sẽ chọn sản phẩm nấm của địa phương xây dựng sản phẩm OCOP, có truy xuất nguồn gốc, tham gia mua bán trên các sàn thương mại điện tử.
"Nghề trồng nấm không đòi hỏi nhiều vốn, quy trình chăm sóc đơn giản, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các hộ trồng nấm đã khai thác hiệu quả lợi thế về môi trường, vật liệu tại chỗ để trồng các loại nấm có giá trị kinh tế, mang lại thu nhập ổn đinh", ông Lần cho biết.