Sự cộng hưởng từ cà phê chồn
Khởi nghiệp - Ngày đăng : 08:54, 30/12/2021
Bén duyên với cà phê chồn
Anh Nguyễn Tấn Lực (SN 1978) ở thôn Nghĩa Tín, phường Quảng Thành (Gia Nghĩa) hiện đang sở hữu 4 ha đất rẫy cùng 40 con chồn hương, phục vụ việc sản xuất cà phê chồn của gia đình.
Năm 2018, gia đình anh Lực đã quyết định chuyển lên tỉnh Đắk Nông để phát triển mô hình. Sau khi được cơ quan chức năng cấp giấy phép, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cấp mã số cơ sở nuôi nhốt, từ 4 con chồn hương giống ban đầu đến nay anh đã phát triển lên đến 40 con.
Theo anh Lực, thời tiết tại Đắk Nông ôn hòa, thuận lợi cho việc nuôi chồn. Hơn nữa, đây là loại động vật dễ nuôi, ít bệnh và dễ chăm sóc nên mỗi ngày chỉ cần cho chúng ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều. Nguồn thức ăn chính của chồn là các trái cây.
Cà phê chín được thu hái lần lượt, rửa sạch trước khi làm thức ăn cho chồn. Mỗi ngày, một con chồn tiêu thụ khoảng 30-35g cà phê tươi |
Anh Lực cho biết: “Hiện tại, với số cà phê trong vườn, đủ để làm thức ăn cho chồn. Gia đình tôi không thu đại trà mà chỉ thu hoạch từng cây, cố gắng duy trì nguồn thức ăn cho chồn. Hết mùa cà phê thì cho chồn ăn thêm các loại trái cây khác có trong vườn”.
Cũng theo chủ nhân của mô hình cà phê chồn độc nhất tại Đắk Nông, loại động vật này dễ nuôi, rất thông minh. Khi cho chồn ăn, phải chọn những trái cà phê tươi, chín mọng và chắc hạt, rửa sạch.
Đặc biệt, trong quá trình chăm sóc cà phê, gia đình anh Lực không sử dụng phân bón hóa học mà chỉ bón phân vi sinh, hữu cơ. Cà phê phải chín đạt trên 90% thì mới thu hái, làm thức ăn cho chồn.
“Một con chồn hương chỉ tiêu thụ khoảng 30 - 35g/ngày cà phê tươi. Sau quá trình lên men tự nhiên trong bụng, hạt cà phê sẽ được chồn thải ra bằng đường tiêu hóa, mang hương vị đặc trưng. Mỗi ngày tôi thu hoạch cà phê nhân một lần, sau đó phơi dưới nắng tự nhiên khoảng 3 - 4 ngày rồi mới tách bỏ lớp vỏ trấu bao bọc xung quanh nhân”, anh Lực chia sẻ quá trình sản xuất ra loại cà phê đắt đỏ nhất hiện nay.
Hạt cà phê được lên men trong bụng chồn trước khi được thải ra theo đường tiêu hóa |
Hiện tại, để bảo đảm chăn nuôi, sản xuất theo hướng bền vững, bên cạnh cho chồn ăn cà phê, anh Lực cũng xen kẽ các loại thức ăn khác để thay đổi khẩu vị cho chồn. Chính vì thế, trung bình mỗi vụ cà phê, 1 con chồn chỉ cho thu hoạch được khoảng 2-3 kg cà phê thành phẩm.
Thông tin về sản phẩm mũi nhọn của gia đình, anh Lực tiết lộ: “Mỗi vụ, gia đình tôi thu hoạch được khoảng hơn một tạ cà phê chồn, với giá bán hiện nay là khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/kg đối với cà phê thô. Riêng cà phê bột, đóng gói và có bao bì, nhãn mác sẽ dao động khoảng 7-8 triệu đồng/kg tùy từng thời điểm”.
Lợi ích kép từ chồn
Chồn hương có đặc tính là sinh sản 1-2 lần/năm, có trường hợp sinh đến 3 lần, mỗi lần sinh từ 2-6 con. Tận dụng môi trường nuôi thả bán tự nhiên, anh Lực đã chăm sóc, nuôi dưỡng thành công chồn sinh sản, vừa bổ sung cho nguồn sản xuất cà phê, vừa tăng thêm thu nhập từ việc bán giống.
Theo chủ nhân mô hình, bình quân 1 con chồn giống từ khi tách mẹ nuôi khoảng 3 tháng là có thể bán được với giá 4 triệu đồng. Đối với chồn hương thương phẩm nuôi khoảng 8 tháng đạt trọng lượng 3 kg được bán với giá 1,7 triệu đồng/kg.
Mô hình cà phê chồn mang lại thu nhập cho gia đình anh Lực gần 1 tỷ đồng |
Hiện mỗi năm anh Lực bán ra thị trường khoảng 100 con chồn hương giống, 400 con chồn thịt và 1,2 tạ cà phê chồn thành phẩm mang lại thu nhập cho gia đình khoảng gần 1 tỷ đồng. Dù giá luôn ở mức cao, trại chồn hương của anh không có đủ số lượng cung ứng cho khách hàng các nơi.
Theo đánh giá của UBND phường Quảng Thành, mô hình sản xuất cà phê chồn của gia đình anh Nguyễn Tấn Lực là mô hình độc đáo, cho thu nhập cao và góp phần làm đa dạng hóa loài vật nuôi trên địa bàn. Mô hình nuôi chồn hương và sản xuất cà phê chồn của anh Lực là một trong những mô hình mới ở địa phương và đã đem lại thu nhập khá ổn định cho gia đình.
Cà phê chồn được gọi với nhiều cái tên khác nhau. Trong tiếng Anh, cà phê chồn được gọi với cái tên thông dụng là Weasel Coffee. Chồn ăn hạt cà phê, khi đi qua hệ tiêu hóa, hạt cà phê giảm bớt tính axit, giảm lượng protein, giảm lượng caffeine. Cà phê chồn là một trong những loại cà phê có giá đắt nhất trên thế giới. |