Cô gái Tày khởi nghiệp với nghề mát xa trị liệu
Khởi nghiệp - Ngày đăng : 08:09, 17/11/2022
Ra trường với tấm bằng sư phạm Ngữ văn, chị Thương từng có nhiều năm làm công tác giảng dạy tại TP. Hồ Chí Minh. Mỗi lần về thăm nhà ở xã Đắk D'rông (Cư Jút), chị hay mày mò, tìm kiếm các bài thuốc lá để chữa bệnh đau xương khớp, tê bì, nhức mỏi chân tay cho mẹ. Dần dần, cô giáo trẻ thấy đam mê, học hỏi bài thuốc dân gian trong làng, trong xã, kết hợp với các phương pháp mát xa để tìm hướng lập nghiệp mới cho bản thân.
Thời gian đầu, chị đi học nghề ở Bình Dương, rồi làm thuê, tích lũy vốn và kinh nghiệm. Năm 2020, chị Thương quyết định mở cơ sở, gây dựng thương hiệu mát xa, trị liệu thảo dược Mợ Chảnh tại tổ dân phố 1, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) với số vốn 50 triệu đồng. Chị Thương khéo léo vận dụng những bài thuốc dân gian của dân tộc, kết hợp phương pháp mát xa, hỗ trợ điều trị xương khớp, chăm sóc sức khỏe cho khách hàng. Ngoài ra, chị trực tiếp đào tạo nghề cho nhân viên, gây dựng uy tín bằng chính sự chăm chỉ, trách nhiệm và tận tâm với khách hàng.
Chị Nông Thị Thương khởi nghiệp với nghề mát xa, trị liệu thảo dược |
Hiện tại, nhóm đối tượng khách hàng mà cơ sở của chị Thương hướng tới chủ yếu là phụ nữ, người cao tuổi, mẹ và bé sau sinh. Những bài thuốc nam của người Tày, người Dao, kết hợp phương pháp mát xa trị liệu cung cấp đến khách hàng dịch vụ chăm sóc sức khỏe đa dạng. Các gói dịch vụ như chăm sóc body, chăm sóc mẹ bầu, gội đầu dưỡng sinh, mát xa trị liệu đau mỏi cổ, vai, gáy, tê bì chân tay… với mức giá rất bình dân, chỉ từ 80.000 đồng đến 250.000 đồng. Ngoài việc có thu nhập tương đối cho bản thân, chị Thương còn đang tạo việc làm cho 3 lao động nữ, với mức thu nhập từ 9-10 triệu đồng/tháng.
Bà Đỗ Thị Duyên, 63 tuổi, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) thường xuyên sử dụng gói dịch vụ ngâm chân thảo dược tại nhà của cơ sở chị Thương vui vẻ cho biết: “Tuổi đã cao nên tôi hay bị mất ngủ, đau nhức chân tay. Từ khi sử dụng dịch vụ được xoa bóp, ngâm chân bằng các loại lá, tôi thấy rất thoải mái, dễ ngủ hẳn".
Chị Thương trực tiếp đào tạo nghề cho nhân viên, gây dựng uy tín bằng chính sự chăm chỉ, trách nhiệm và tận tâm với khách hàng |
Chị Thương tâm sự: “Ban đầu tôi học nghề với mong muốn trước hết là để phục vụ cho người thân trong gia đình, sau thấy hiệu quả cải thiện sức khỏe mở rộng, chia sẻ với mọi người xung quanh, nhất là mẹ bầu, người cao tuổi. Tôi luôn tâm niệm phục vụ tận tâm, xem khách hàng như người thân yêu của mình. Khởi nghiệp khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát nên tôi gặp không ít khó khăn nhưng may mắn vượt qua, được khách hàng ủng hộ”.
Rẽ hướng làm trái nghề chưa bao giờ là quyết định dễ dàng với mỗi người trẻ, trong đó có chị Thương, nhưng chính sự quyết tâm, học hỏi không ngừng, cùng với việc nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường, khai thác, tận dụng tài nguyên sẵn có tại địa phương để khởi nghiệp đã giúp chị bước đầu thành công với lựa chọn của mình.