Nhân Đạo phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 14:05, 27/04/2012

Theo ông Nguyễn Tạo, Phó Chủ tịch UBND, Phó Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM) xã thì một trong những yếu tố quan trọng để chương trình xây dựng NTM thành công chính là nâng cao được mức sống cho người dân...

Theo ông Nguyễn Tạo, Phó Chủ tịch UBND, Phó Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM) xã thì một trong những yếu tố quan trọng để chương trình xây dựng NTM thành công chính là nâng cao được mức sống cho người dân. Chính vì thế, cùng với việc nỗ lực thực hiện tốt các tiêu chí khác về cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, văn hóa..., địa phương cũng đang chú trọng, phát huy vai trò của mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là vai trò chủ thể của người nông dân trong phát triển kinh tế nông hộ với các cây trồng, vật nuôi chủ lực. Thực tế trong thời gian qua cho thấy, bà con nông dân trên địa bàn đã tìm tòi đưa các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vào sản xuất nên đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong đó, cây cao su đã giúp người nông dân có nguồn thu nhập cao. Gia đình anh Lê Văn Triệu, thôn 2 bắt đầu trồng cây cao su từ năm 2005; đến nay, hơn 4,5 ha cao su đã cho thu hoạch. Anh Triệu cho biết: “Trước đây, gia đình tôi trồng điều nhưng hiệu quả thấp, nên đã chuyển sang trồng cao su. Cây cao su khá phù hợp với đất đai ở đây nên phát triển nhanh, sản lượng mủ đạt cao. Năm vừa rồi, gia đình tôi thu hoạch mủ năm thứ hai đạt 8,9 tấn. Với giá bán thời điểm đó đạt 25.000 đồng/kg, gia đình tôi thu lãi được gần 150 triệu đồng”. Tương tự, gia đình ông Trần Đình Bá, thôn 4, Nguyễn Văn Long, thôn 3... cũng đưa các giống cao su PB235, PB260...vào trồng, đạt năng suất bình quân hơn 4 tấn/ha/năm. Theo thống kê của UBND xã, địa phương hiện có 1.028 ha cao su. Ngoài ra, một số cây trồng khác như tiêu, ca cao, cây ăn quả cũng giúp cho bà con nông dân có nguồn thu nhập tương đối khá. Chỉ tính riêng năm 2011, tổng thu nhập từ cây công nghiệp đạt trên 87 tỷ đồng. Song song với việc phát triển các cây trồng chủ lực, xã cũng quan tâm phát triển kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, hiện cánh đồng lúa tại bon Pi Nao đã được giao về cho các hộ gia đình sản xuất. Nhờ đó, bà con đồng bào dân tộc thiểu số đã có đất sản xuất ổn định và dần nắm vững được khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, thay đổi dần lối canh tác “phó mặc cho trời” như trước đây. Sản lượng lúa hàng năm tăng cao, bình quân đạt gần 6 tấn/ha, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, đưa thu nhập bình quân đầu người của xã tăng hơn so với trước. Năm 2011 là trên 21,4 triệu đồng/người/năm. 

Cũng theo ông Tạo thì những kết quả trên là tiền đề quan trọng để xã hoàn thành, duy trì tiêu chí nâng cao thu nhập cho nông dân trong chương trình xây dựng NTM. Mục tiêu phấn đấu của xã trong năm 2012 là đưa thu nhập bình quân đầu người lên hơn 26 triệu đồng/người/năm, tăng 16% so với năm 2011. Với tỷ lệ cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm 98% nên trong những năm tiếp theo, địa phương xác định vẫn phát triển kinh tế theo hướng nông nghiệp là chính với nhiệm vụ trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm nâng cao giá trị thu được trên đơn vị diện tích. Cụ thể, địa phương sẽ chú trọng đến việc chuyển đổi một số diện tích điều, cà phê kém hiệu quả, xa nguồn nước tưới sang trồng cây cao su và cây ca cao. Xã cũng sẽ tích cực phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi để bà con nông dân có thể chủ động hơn trong sản xuất, nhất là đối với các hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số. Về nguồn vốn, địa phương sẽ tăng cường chỉ đạo các tổ chức đoàn thể bình xét đúng đối tượng để hộ nghèo được vay vốn sản xuất và khuyến khích các hoạt động giúp nhau phát triển kinh tế, tăng thu nhập...

Hoài An