Huyện Tuy Đức tạo đà cho xây dựng nông thôn mới từ hoạt động khuyến nông
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:53, 09/08/2017
Chính vì thế, khi cán bộ khuyến nông “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với nông dân đã giúp cách nghĩ, cách làm của bà con dần được thay đổi. Đây cũng là một trong những mục tiêu mà huyện Tuy Đức tăng cường công tác khuyến nông để tạo đà cho xây dựng NTM trên địa bàn.
Được hỗ trợ vốn vay, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật cộng với siêng năng, vườn cà phê của chị Thị Luân đạt năng suất trên 4 tấn/ha |
Mấy năm trước đây, vườn cà phê hơn 1,5 ha của gia đình chị Thị Luôn, ở bon Bu M’Đó, xã Quảng Tâm luôn còi cọc, trái chưa kịp lớn đã rụng xanh gốc. Dù vậy, cũng như nhiều người trong bon, chị không màng đầu tư chăm sóc. Bởi theo chị Thị Luân, trồng cà phê “không hợp” với mọi người trong bon do đòi hỏi kỹ thuật cao. Vì thế, chị chủ yếu chăm sóc rẫy sắn cho dễ có thu nhập hơn.
Thế nhưng, cách đây vài năm, được tham gia các lớp tập huấn về chăm sóc cà phê, Thị Luân nhận thấy chăm sóc cho loại cây này cũng không khó mấy. Khi đã hiểu thông suốt, chị cùng chồng bắt tay vào khoanh bồn, tỉa cành tạo tán lại cho vườn cây. Tiếp đó, Hội Nông dân xã giúp đỡ cho gia đình vay trên 30 triệu đồng để phát triển sản xuất. Có số vốn làm ăn, chị mua phân về bón định kỳ cho vườn cà phê theo hướng dẫn. Chỉ cần có vậy, sau một năm, vườn cà phê của chị Thị Luân xanh tốt, cành lá sum suê.
Thị Luân cho biết: “Sau hơn một năm áp dụng đúng biện pháp kỹ thuật chăm sóc, vườn cà phê gia đình tôi đã tăng năng suất từ vài tạ lên đến 3 tấn/ha. Còn bây giờ, mỗi vụ cũng đều đều 4 tấn/ha đấy”. Chị Thị Luân cho biết có thu nhập ổn định, chị không những trang trải cho cuộc sống gia đình mà còn có điều kiện để đóng góp xây dựng công việc chung của bon.
Còn gia đình ông Nguyễn Văn Thắng, ở bon Bu Nơr B, xã Quảng Tâm, trước đây nguồn thu nhập của gia đình chủ yếu dựa vào trồng cà phê, hoa màu. Nhưng từ năm 2015, ông được huyện hỗ trợ 30 con gà giống cùng thức ăn, thuốc phòng chữa bệnh để cải thiện nguồn thu và dinh dưỡng cho gia đình. Từ đàn gà hỗ trợ ban đầu, sau gần 2 năm, ông đã nhân đàn lên trên 500 con. Khi đàn gà sinh sản, ông mang đến lò ấp trứng thuê mỗi lứa ấp nở được hơn 100 con.
Ông Thắng cho hay: “Nếu nuôi gà một cách bài bản cũng mang lại nguồn thu khá đấy. Bởi nếu người nuôi gà áp dụng đúng quy trình kỹ thuật về cách chăm sóc, cho ăn, sưởi ấm theo từng giai đoạn, từng lứa tuổi thì đàn gà phát triển khá nhanh”.
Cũng theo ông Thắng, hiện nay, khi lứa gà đủ 80 ngày, trọng lượng từ 1,5 – 1,8 kg/con rất được thị trường ưa chuộng. Với giá bán vào thời điểm này dao động từ 85 – 90 nghìn đồng/kg, mỗi lứa gà, gia đình thu về 7 – 8 triệu đồng. Số tiền này đủ để ông xoay vòng, mua cám, mua thêm gà giống tăng số lượng đàn.
Theo Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Tuy Đức thì để các mô hình kinh tế phát huy hiệu quả, thời gian qua, Trạm đã tập trung triển khai lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, ưu tiên thực hiện các chương trình, dự án, mô hình khuyến nông tại các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Từ năm 2012 đến nay, bằng nguồn vốn của Dự án 3EM, Dự án giảm nghèo Tây Nguyên, vốn khuyến nông… đơn vị đã tổ chức hơn 45 lớp tập huấn với hơn 1.750 lượt người tham gia.
Bên cạnh đó, Trạm cũng đã triển khai nhiều mô hình khuyến nông đem lại hiệu quả như: Trồng rau an toàn quy mô 0,6 ha với 4 hộ tham gia, trồng xen bơ trong vườn cà phê 9 ha với 15 hộ tham gia, nuôi gà thả vườn quy mô 1.000 con với 18 hộ tham gia…
Mặt khác, Trạm còn phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn, mở rộng mô hình “Khuyến nông viên gắn với vườn mẫu”, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật với các giống cây trồng, vật nuôi bảo đảm năng suất, chất lượng, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân trên địa bàn huyện. Đây chính là động lực thiết thực để từng bước góp phần hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM trên địa bàn huyện.
Từ năm 2012 đến nay, Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Tuy Đức đã phối hợp triển khai phát triển cà phê bền vững với trên 5.000 ha cà phê được áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, năng suất bình quân đạt trên 3 tấn/ha và tái canh, ghép cải tạo được gần 500 ha, năng suất trung bình đạt 3,2 tấn/ha. |