Chế biến sâu - Giải pháp đầu ra, nâng cao giá trị nông sản
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:27, 27/09/2021
Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Yến Nhi, xã Quảng Tân (Tuy Đức) hiện đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu cấp đông các loại nông sản tươi phục vụ xuất khẩu.
Trong thời gian này, Công ty đang triển khai công nghệ cấp đông sản phẩm sầu riêng múi để cung ứng trực tiếp cho thị trường Trung Quốc và một số nước châu Âu. Hằng tháng, Công ty đang thực hiện cấp đông cho khoảng 60-80 tấn sầu riêng múi, tương đương với trên 200-300 tấn sầu riêng trái.
Sầu riêng được tách múi trước khi đưa vào cấp đông tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Yến Nhi, xã Quảng Tân (Tuy Đức) |
Ông Võ Đình Chiện, Phó Giám đốc Công ty cho biết, trước đây, Công ty đầu tư kho lạnh để chế biến chanh dây, mãng cầu gai. Tuy nhiên, nhận thấy thị trường trái cây, rau củ ở Đắk Nông phát triển nhiều, gián đoạn đầu ra vì dịch Covid-19.Vì vậy, Công ty đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng hệ thống các kho cấp đông tại chỗ cho các sản phẩm này. Để đáp ứng nhu cầu nguồn nguyên liệu lớn phục vụ chế biến, Công ty đã tổ chức thu mua nông sản tại một số địa phương khác như: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng...
Sau vụ sầu riêng, rau củ, Công ty tiếp tục trở lại chế biến sản phẩm chanh dây, phục vụ thị trường. Công ty sẽ bám theo mùa vụ của các nông sản để duy trì hoạt động sản xuất, bảo đảm đầu ra cho bà con nông dân.
Cũng theo ông Chiện, nông sản được chế biến, cấp đông sẽ mang lại giá trị lớn hơn thông thường khoảng gấp 2 lần. Đối với Công ty, dù thị trường xuất khẩu gặp khó khăn do dịch Covid-19, nhưng vẫn giữ mức tăng trưởng tốt nhờ vào chế biến sâu.
Trước những khó khăn về khâu tiêu thụ, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến nông sản vẫn mạnh dạn mở rộng sản xuất, nâng cấp công nghệ, gia tăng cơ hội phát triển thị trường.
Các múi sầu riêng loại 1 được lựa chọn đưa đi cấp đông phục vụ thị trường xuất khẩu |
Từ nguồn nguyên liệu hạt mắc ca, những năm gần đây, Công ty TNHH MTV Thương mại, xuất nhập khẩu Macca Sachi Thịnh Phát (Gia Nghĩa) đã đầu tư công nghệ chế biến sâu cho ra nhiều dòng sản phẩm hàng hóa khác nhau.
Hiện nay, ngoài sản phẩm mắc ca rang sấy, Công ty đang sản xuất các mặt hàng khác như: dầu mắc ca, sữa mắc ca, bánh từ các loại hạt… Trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, Công ty còn tận dụng hệ thống lò sấy để sấy khô các loại rau, củ, quả tươi khác.
Nhờ đó, Công ty vừa dự trữ, bảo quản được nông sản lâu dài, vừa nâng cao giá trị cho sản phẩm. Cũng nhờ sự linh hoạt này của Công ty, nhiều người dân đã giải quyết được khâu tiêu thụ nông sản.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hương, Giám đốc Công ty, thời gian tới, đơn vị sẽ nghiên cứu đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Bởi vì tiềm năng nguồn nguyên liệu nông sản phục vụ chế biến còn rất lớn.
Theo bà Võ Thị Thanh Bình, Trưởng Phòng Quản lý khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ), hiện nay, một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ của tỉnh đang tập trung vào việc nghiên cứu, xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị cho nông sản.
Đa dạng các sản phẩm từ hạt mắc ca của Công ty TNHH MTV Thương mại, xuất nhập khẩu Macca Sachi Thịnh Phát (Gia Nghĩa) |
Trong đó, một số loại nông sản như: bơ, xoài, tiêu, cà phê… sẽ được nghiên cứu phương án, giải pháp để chế biến sâu. Mục tiêu của các nhiệm vụ này là nhằm gia tăng giá trị kinh tế cho những sản phẩm nông nghiệp, góp phần giải quyết đầu ra cho nông sản địa phương.
Trong kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu hàng chủ lực tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp trong sản xuất hàng hóa. Trong đó, tỉnh khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ trong khai thác, bảo quản và chế biến.
Doanh nghiệp cần ưu tiên thực hiện các chuỗi giá trị trong sản xuất những mặt hàng chủ lực; đồng thời, chú trọng sản xuất các sản phẩm mới, hướng vào thị trường xuất khẩu.