Giải pháp nâng cao thu nhập cho nông dân
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:42, 22/02/2022
Những năm qua, nội dung về nâng cao thu nhập cho hộ sản xuất nông nghiệp luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo triển khai. Việc thực hiện các nghị quyết, chương trình, đề án nâng cao thu nhập của bà con đã có sự chuyển biến tích cực.
Ví dụ như năm 2011, thu nhập bình quân của nông dân mới đạt mức 138,7 triệu đồng/hộ/năm thì đến năm 2020 đạt 248 triệu đồng/hộ/năm. Thu nhập bình quân trên 1 ha đất canh tác của người dân năm 2015 đạt 75 triệu đồng, đến năm 2020 đạt mức 85 triệu đồng.
Đây là kết quả nỗ lực của tỉnh cũng như sự cố gắng của nhà nông. Trong đó, bà con nông dân đã đẩy mạnh sản xuất, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nhiều khâu.
Tuy nhiên, những năm gần đây, trước những ảnh hưởng của thị trường, thay đổi thời tiết, thu nhập của người nông dân chịu nhiều biến động, thiếu ổn định, thậm chí giảm mạnh.
Quy mô, mức độ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn thấp, giá trị mang lại trên một diện tích đất chưa cao. Nông dân phần lớn chỉ ứng dụng được một số công nghệ sản xuất nông nghiệp cơ bản như nhà lưới, nhà kính, tưới tự động...
Tình trạng sản xuất không đúng quy hoạch, nhỏ lẻ, thiếu liên kết, sản phẩm chất lượng chưa cao, chưa gắn với nhu cầu thị trường... vẫn còn phổ biến, nên dễ chịu cảnh được mùa mất giá.
Thu nhập của người sản xuất nông nghiệp còn chịu nhiều ảnh hưởng bởi thời tiết, giá cả |
Theo bà Trần Thu Trang, thôn 7, xã Đắk Ha (Đắk Glong), những năm qua, thu nhập của gia đình vẫn bấp bênh. Nguyên nhân là do giá cả nhiều loại nông sản chính như: rau, củ, cây ăn trái... liên tục giảm sút, nhất là hai năm gần đây bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
"Trong nhiều năm liền, nguồn thu nhập của gia đình tôi hầu như không phát triển. Thậm chí, có những giai đoạn, sản xuất gặp khó khăn, giá cả nông sản xuống thấp, khiến cho thu nhập của gia đình càng trở nên bấp bênh hơn", bà Trang cho biết.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên, để nâng cao thu nhập của nông dân, tỉnh xác định một trong những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm là tái cơ cấu, chuyển đổi nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiệu quả, chất lượng, giá trị gia tăng cao.
Đắk Nông tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thêm các vùng nông nghiệp có chất lượng. Các cấp, ngành, đoàn thể, hội quan tâm đến Chương trình OCOP để khơi gợi, phát huy các giá trị kinh tế khu vực nông thôn, nông dân.
Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu, bền vững. Các huyện, thành phố tận dụng tốt các nguồn lực, sử dụng kết hợp hiệu quả các nguồn vốn của các chương trình, dự án để đầu tư, nâng cấp hạ tầng nông thôn, nhất là giao thông, thủy lợi, tạo động lực cho kinh tế nông thôn phát triển.
Đắk Nông cũng đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, có liên kết với nông dân; phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác trồng trọt, chăn nuôi; phát triển dịch vụ du lịch canh nông...
Sản xuất nông nghiệp của người dân còn thiếu liên kết, mang tính nhỏ lẻ |
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên, để khắc phục tình trạng thu nhập thấp của nông dân, toàn tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Việc thay đổi tư duy sản xuất cần được coi là một nội dung quan trọng. Trong đó, đối với chính quyền thì không còn là tư duy nhiệm kỳ, mà phải là sự nối tiếp, có tính lâu dài, bền vững.
Đối với người nông dân, cần phải chuyển từ tư duy sản xuất theo mùa vụ sang tư duy kinh tế thị trường, hàng hóa, liên kết theo quy mô lớn, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu…