Người tiên phong sản xuất nông nghiệp sạch ở Tuy Đức
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:20, 03/03/2022
Năm 1993, anh Đỗ Thanh Ân từ Hải Dương vào thôn 5, xã Đắk Búk So lập nghiệp. Với khát khao làm giàu trên mảnh đất mới, anh Ân bắt tay đầu tư phát triển kinh tế với nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi.
Thời gian đầu, do kinh nghiệm còn hạn chế, chưa nắm rõ kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cây trồng, vật nuôi, nên anh Ân liên tục thất bại. Các loại cây trồng của anh phát triển không hiệu quả, vật nuôi bị dịch bệnh xảy ra liên tục.
Từ những thất bại, anh Ân tự mày mò tìm hiểu nguyên nhân và trực tiếp đi học hỏi kinh nghiệm từ những trang trại sản xuất, chăn nuôi có quy mô lớn. Anh còn đích thân tìm đến các trung tâm giống cây trồng hàng đầu tại Hà Nội để học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả.
Mỗi năm anh Ân nuôi trùn quế và thu được khoảng 15 tấn phân bón cho cây trồng |
Sau khi có kinh nghiệm, anh Ân bắt đầu tái thiết sản xuất. Đối với 3,5 ha đất trồng cà phê, anh trồng xen canh thêm 650 trụ tiêu. Đáng chú ý, toàn bộ hồ tiêu đều được anh trồng trên các trụ sống như sao đen, dỗi... Ngoài ra, anh trồng thêm cây ăn quả để tận dụng không gian trên cao.
Anh Ân chia sẻ: "Sau thời gian canh tác, tôi thấy chi phí đầu tư tăng quá cao, nông dân ngày càng tiếp xúc nhiều với các chất độc hại, nên chọn cách thay đổi theo hướng hữu cơ, bền vững".
Để hạn chế phân bón, thuốc hóa học, trong rẫy cà phê, anh Ân đầu tư làm chuồng nuôi trùn quế để lấy phân bón cho cây trồng. Với 75m2 chuồng nuôi trùn quế, mỗi năm cho khoảng 15 tấn phân bón cho cà phê, hồ tiêu và các cây trồng khác trong vườn.
Theo anh Ân, thức ăn của trùn quế chủ yếu là phân bò. Do đó, anh đã đầu tư chăn nuôi thêm 6 con bò giống 3B để lấy phân cho trùn ăn và bón cho cây trồng. Anh tận dụng các loại cỏ quanh rẫy làm thức ăn cho bò.
Ngoài ra, anh Ân còn mua đạm cá về ủ với men vi sinh để bón cho cây trồng. Anh tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn cho đàn gà lai chọi. Nguồn thức ăn an toàn, sinh học, nên đàn gà phát triển tốt, ít nhiễm bệnh.
Vườn hồ tiêu của anh Ân đã đạt tiêu chuẩn Organic |
Nhờ sản xuất nông nghiệp sạch, mỗi năm anh Ân có thu nhập hơn 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Theo anh Ân, làm nông nghiệp thuận tự nhiên, bền vững hiện nay khá dễ, vì các kỹ thuật đã rất phổ biến. Thế nhưng, đối với 5 năm về trước, để làm được điều này là cả một quá trình mày mò, tìm hiểu rất khó khăn. Thậm chí, phải đánh đổi bằng việc cây trồng bị chững lại vài năm, năng suất giảm sút.
Sau 5 năm tự tìm hướng đi cho mình, những sản phẩm hồ tiêu, cà phê của anh Ân giờ đây cơ bản đều đạt tiêu chuẩn Organic. Anh đã kết nối với bạn bè và các cơ sở rang xay để tạo ra các sản phẩm tinh chế chất lượng. Các sản phẩm của anh Ân đều bán được với mức giá cao hơn giá thị trường từ 15% - 20%.
Quan trọng hơn, anh đã tạo được môi trường sản xuất an toàn từ trang trại đến sản phẩm phục vụ người tiêu dùng. Ngoài giảm yếu tố độc hại, cách làm của anh Ân còn giúp gia đình anh giảm khoảng 50% chi phí đầu tư so với cách làm truyền thống. Những cách làm này, anh Ân đều chia sẻ với nhiều hộ dân trên địa bàn.
Theo ông Ðoàn Lê Anh, Chủ tịch Hội nông dân huyện Tuy Ðức, anh Ân là nông dân tiên phong trong việc phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học tại địa phương. Thời gian qua, mô hình kinh tế của anh Ân đã trở thành điểm tham quan, học hỏi kinh nghiệm của nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh. Năm 2020, anh Ân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về "Mô hình sản xuất hiệu quả trong ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống". |