Cần nhiều nguồn lực cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:28, 21/03/2022
Nhiều chỉ tiêu đạt thấp
Thời gian qua, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã ban hành các kế hoạch thực hiện NQ12, với nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Thế nhưng, theo đánh giá của HĐND tỉnh các mục tiêu chính của NQ12 vẫn chưa đạt kế hoạch.
Cụ thể, NQ12 đưa ra mục tiêu đến năm 2020, Đắk Nông hình thành được 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC). Tuy nhiên, đến năm 2021, tỉnh mới công nhận được 4 vùng gồm 2 vùng hồ tiêu tại các xã Thuận Hà, Thuận Hạnh (Đắk Song); 1 vùng trồng lúa tại xã Buôn Choáh (Krông Nô); 1 vùng trồng cà phê tại xã Thuận An (Đắk Mil).
Mục tiêu đến năm 2020, tỉnh có ít nhất 3 doanh nghiệp ƯDCNC trong sản xuất cũng không đạt. Đến nay, tỉnh chỉ có Công ty Cổ phần Kỹ nghệ gỗ MDF BISON được công nhận có ƯDCNC.
Giải pháp khắc phục
Một trong những khó khăn hiện nay của các địa phương là nguồn vốn đầu tư cho việc thực hiện NQ12 còn khiêm tốn. Trong đó, các địa phương chưa được bố trí đủ nguồn vốn cho xây dựng hạ tầng công nghệ cao, hỗ trợ giống, vật tư, đào tạo kỹ thuật cho nông dân.
Hạ tầng chế biến tại Vùng sản xuất cà phê công nghệ cao Thuận An (Đắk Mil) chưa đáp ứng yêu cầu |
Theo lãnh đạo Sở KHCN, có khoảng 80% đề tài khoa học hiện nay là nghiên cứu về NNƯDCNC. Tuy nhiên, phần lớn các đề tài này chưa được áp dụng, nhân rộng ra thực tiễn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, nhưng trước hết là do thiếu vốn, nguồn nhân lực hạn chế, hạ tầng cơ sở còn yếu kém.
Theo ông Lê Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil, tại Vùng sản xuất cà phê công nghệ cao ở xã Thuận An, các tiêu chí thực hiện chưa đạt và huyện sẽ tập trung để củng cố thêm. Đó là các tiêu chí về tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ... Đắk Mil sẽ tiếp tục đầu tư về kỹ thuật canh tác, giống, công nghệ. Đặc biệt, huyện sẽ đầu tư công nghệ chế biến gắn chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Tại huyện Đắk R’lấp, bằng nguồn vốn của các chương trình, dự án, địa phương tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện đồng bộ về hạ tầng giao thông, thủy lợi, tạo động lực cho phát triển NNƯDCNC. Việc tổ chức các chương trình tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình về NNƯDCNC sẽ được huyện triển khai nhiều hơn, giúp người dân học tập, ứng dụng vào thực tiễn.
Trước thực tiễn trên, ngoài việc có giải pháp khắc phục những khó khăn, tồn tại, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu ngành Nông nghiệp - PTNT theo hướng tập trung, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị làm cơ sở để rà soát, hỗ trợ và công nhận các vùng NNƯDCNC. Tỉnh thúc đẩy phát triển dòng sản phẩm OCOP tại các vùng NNƯDCNC để phát huy tốt các lợi thế cạnh tranh, sản phẩm đặc sản, thu hút, khuyến khích hình thành bền vững các hình thức liên kết tổ, nhóm, người dân và doanh nghiệp ở tất cả các khâu.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sơ chế, bảo quản rau, hoa, quả tươi quy mô tập trung, công nghệ tạo màng trong bảo quản rau, quả; công nghệ chế biến sâu; công nghệ sinh học và vi sinh sản xuất chế phẩm sinh học và các chất màu, chất phụ gia thiên nhiên trong bảo quản và chế biến nông sản sẽ được quan tâm hơn. Trong đó, tỉnh đặc biệt quan tâm xây dựng, mở rộng mối liên kết và quan hệ hợp tác, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...
NQ12 đặt mục tiêu đến năm 2025, Đắk Nông có 23 vùng NNƯDCNC; giá trị sản xuất NNƯDCNC chiếm 35-40% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh; có thêm 3-4 doanh nghiệp ƯDCNC vào sản xuất, kinh doanh... |