Niềm tin và chữ tín là cốt lõi trong liên kết sản xuất
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 10:34, 28/03/2022
Từ nhiều năm nay, tỉnh Đắk Nông thực hiện khá hiệu quả các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Thông qua liên kết, nông dân tiếp cận được hình thức canh tác theo đơn đặt hàng, hướng đến sản xuất an toàn, chất lượng.
Trước đây, Công ty CP Sam nông nghiệp công nghệ cao (Đắk Song) đã liên kết với khoảng 150 hộ nông dân để sản xuất hồ tiêu. Trong đó, có nhiều diện tích canh tác theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Công ty phải mất từ 3 - 4 năm tạo dựng xây dựng vườn cây đạt chuẩn. Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện, mức độ thành công của một số dự án không cao, lợi nhuận thấp. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là do phía nông dân còn sản xuất theo cảm tính, phá vỡ các cam kết giữa 2 bên.
Người dân xã Cư K’nia (Cư Jút) sản xuất lúa thương phẩm theo hợp đồng ký kết với doanh nghiệp |
Theo Sở NN - PTNT, cũng như Công ty Sam, trên địa bàn tỉnh có nhiều đơn vị liên kết với nông dân để sản xuất, tiêu thụ các loại nông sản như cà phê, hồ tiêu, cây thực phẩm, cây dược liệu…
Việc liên kết đã mang lại nhiều lợi ích trong sản xuất nông nghiệp, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm. Mặc dù vậy, nhiều mối liên kết vẫn còn lỏng lẻo, thiếu bền vững, dẫn đến thất bại.
Ông Lê Quỳnh, giám đốc một doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản ở huyện Đắk Song cho biết, một số doanh nghiệp và nông dân chưa tạo được mối liên kết bền vững.
Lấy ví dụ, quá trình liên kết, nông dân được doanh nghiệp hướng dẫn cách làm, bao tiêu đầu ra. Một số trường hợp bà con được hỗ trợ vốn, vật tư nông nghiệp. Tuy nhiên, khi giá sản phẩm ngoài thị trường cao hơn so với cam kết, bà con lại ngả theo, phá bỏ cam kết.
Người dân thôn 10, xã Trường Xuân (Đắk Song) liên kết với HTX Hoàng Nguyên sản xuất tiêu hữu cơ |
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh cũng có không ít doanh nghiệp bội tín trong liên kết. Các doanh nghiệp này chủ yếu không thực hiện hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của nông dân. Điều này khiến cho người dân mất niềm tin với doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Thái, một doanh nghiệp chế biến nông sản tại TP. Gia Nghĩa cho hay, do khối lượng nông sản đáp ứng cho dây chuyền sản xuất lớn, nên ông phải liên kết với nông dân để có vùng nguyên liệu.
Thế nhưng, nông dân lại hết sức dè chừng trong việc liên kết. Họ sợ doanh nghiệp đến với bà con là để bán phân, bán giống, không thực hiện các cam kết. Do đó, để liên kết được với bà con, ông đã thông qua các đầu mối là cơ quan chuyên môn, đoàn thể, hợp tác xã, tổ hợp tác…
Cũng theo Sở NN - PTNT, trong quá trình liên kết, điều quan trọng là chú ý giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích của cả doanh nghiệp và nông dân. Trong đó, lợi ích và hiệu quả kinh tế cho nông dân phải được xem trọng.
Các bên liên kết cần định ra một giá mua bán sản phẩm hợp lý, có quy tắc ứng xử tốt. Ngoài các văn bản pháp lý, mối liên kết phải tạo dựng được niềm tin vững chắc cho cả đôi bên...