Bảo đảm nguồn vốn sản xuất cho nông dân
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 14:41, 04/04/2022
Tận dụng mọi nguồn vốn
Theo Chi nhánh NHCSXH tỉnh, để tạo thuận lợi về nguồn vốn cho người dân ngay từ đầu năm, đơn vị triển khai kịp thời các chính sách tín dụng. Chi nhánh tranh thủ tất cả nguồn vốn để đáp ứng kịp thời cho người dân phục vụ sản xuất.
Tính đến hết tháng 3/2022, dư nợ tại chi nhánh NHCSXH tỉnh gần 3.300 tỷ đồng, tăng hơn thời điểm đầu năm 60 tỷ đồng. Trong đó, nhiều đơn vị có doanh số cho vay đạt cao như Đắk Glong, Tuy Đức.
Theo ông Nguyễn Tiến Hà, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh, ngay từ cuối năm 2021, đơn vị phối hợp chính quyền địa phương rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn của người dân tại từng địa bàn.
Trên cơ sở này, chi nhánh đề xuất Trung ương phân bổ nguồn vốn. Dự kiến trong năm 2022, Trung ương phân bổ về cho đơn vị gần 200 tỷ đồng để triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách.
Cùng với nguồn vốn Trung ương, đơn vị vận dụng tối đa sự hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, các huyện, thành phố. Tùy vào điều kiện, đặc thù từng địa phương, chi nhánh phân bổ vốn về cho các phòng giao dịch trực thuộc để giải ngân.
NHCSXH tỉnh chỉ đạo các phòng giao dịch đẩy mạnh huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân và gửi tiết kiệm thông qua hệ thống Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV). Đến nay, có 100% các tổ TK&VV, điểm giao dịch xã thực hiện huy động tiết kiệm.
Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tuy Đức giải ngân nguồn vốn cho người dân |
Ngoài nỗ lực của chi nhánh, về phía Ban đại diện hội đồng quản trị cấp tỉnh, huyện tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát từ cơ sở. Trong đó, những địa bàn có nợ đến hạn, nợ quá hạn lớn được tập trung kiểm tra.
“Qua rà soát, đánh giá, phân tích, chúng tôi tập trung xử lý các khoản nợ để vừa đẩy mạnh nguồn vốn cho vay xoay vòng, vừa nâng cao chất lượng tín dụng”, ông Hà cho biết.
Bám sát cơ sở
Một trong những yếu tố quan trọng để giải ngân nguồn vốn hiệu quả mà Chi nhánh NHCSXH tỉnh đang áp dụng là bám sát cơ sở, gần gũi người dân. Đơn vị tăng cường kiện toàn hệ thống tổ TK&VV, từ đó, đưa hệ thống này vào hoạt động nề nếp.
“Ngay khi nguồn vốn Trung ương phân bổ, chúng tôi phối hợp các xã, phường, thị trấn hướng dẫn người dân làm thủ tục, hồ sơ. Hệ thống tổ TK&VV, các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác đối chiếu danh sách người đề nghị vay vốn với danh sách được UBND huyện, thành phố phê duyệt một cách công khai, chính xác”, ông Hà cho biết.
Cũng theo ông Hà, việc giải ngân nguồn vốn sẽ được thực hiện theo thứ tự ưu tiên. Những gia đình nào thực sự khó khăn, đơn vị sẽ ưu tiên giải ngân trước.
Việc xem xét, kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ để tạo điều kiện giải ngân trong thời gian sớm nhất cũng được đơn vị đẩy mạnh. Trường hợp những thủ tục, hồ sơ chưa đầy đủ các yếu tố theo quy định, cán bộ NHCSXH kịp thời hướng dẫn tổ TK&VV hoàn thiện trong thời gian sớm nhất để giải ngân cho bà con.
Trong quá trình phân bổ, Chi nhánh NHCSXH ưu tiên nguồn vốn đối với những hộ nghèo, gia đình thuộc diện khó khăn, địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
“Sở dĩ vậy là do đặc thù của những địa bàn này là khả năng sinh lời từ nguồn vốn vay của không ít hộ dân còn hạn chế. Chưa kể, nhiều bà con còn lúng túng trong việc quyết định đầu tư vào lĩnh vực gì để sớm phát huy hiệu quả nguồn vốn”, ông Hà chia sẻ thêm.
Để từng bước khắc phục hạn chế này, NHCSXH tỉnh chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương, phối hợp các ngành liên quan tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ người vay cách sử dụng vốn hiệu quả, bảo đảm hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch được giao.