Nguồn vốn ưu đãi "tiếp sức" cho nông dân Tuy Đức
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:41, 05/04/2022
Đầu tư kịp thời
Bà Nguyễn Thị Mận, thôn 2, xã Đắk R’tíh, là một trong những hộ gia đình được tiếp cận vốn từ chương trình tín dụng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) để phát triển sản xuất. Năm 2019, hồ tiêu, cà phê của gia đình bà vào vụ thu hoạch. Cùng thời điểm, giá cả nông sản thấp, một ít tiêu bị bệnh chết, khiến gia đình lâm vào cảnh khó khăn.
Gia đình bà Mận được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng từ chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Có nguồn vốn, gia đình bà đầu tư vào trồng thêm rau xanh, cà chua trên diện tích đất trước đây đã trồng tiêu.
Quá trình chăm sóc đúng cách, cộng với giá cả các loại rau gần đây khá thuận lợi, nên thu nhập của gia đình bà được cải thiện. Hiện nay, với 4 sào rau màu các loại, gia đình bà thu hoạch 3-4 vụ/năm.
Nhiều nông dân xã Đắk Búk So được vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển vườn cà phê |
“Doanh thu của gia đình tôi mỗi năm tầm khoảng 100 triệu đồng. Nguồn thu ổn định, cuộc sống gia đình được cải thiện hơn phần nào”, bà Mận bộc bạch.
Còn gia đình anh Lê Văn Hưng, thôn 3, xã Đắk Búk So, vay 40 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư vào vườn cà phê. Theo anh Hưng, trước đây, vườn cà phê của gia đình chỉ đạt năng suất 2,5 tạ/sào, nhưng vụ mùa vừa qua tăng lên 4,4 tạ/sào.
“Nếu có tập huấn về mà không có vốn đầu tư cũng không làm gì được. Sau khi được vay vốn từ ngân hàng, hầu hết nguồn vốn được gia đình tôi đầu tư vào vườn cà phê, nên vườn xanh tốt, cho năng suất cao hơn”, anh Hưng chia sẻ.
Tạo thuận lợi cho bà con
Toàn huyện Tuy Đức hiện có trên 10.000 hộ gia đình được vay vốn ưu đãi. Nguồn vốn từ NHCSXH tập trung vào bà con thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Đến hết tháng 3/2022, nguồn vốn ưu đãi mà NHCSXH huyện triển khai cho người dân vay là trên 460 tỷ đồng.
Theo ông Trần Duy Kiên, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tuy Đức, những năm gần đây, mặc dù khó khăn về mọi mặt, nhưng ngân hàng cơ bản đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn của người dân trên địa bàn. Cùng với nguồn vốn Trung ương, đơn vị lồng ghép nguồn vốn mà NHCSXH tỉnh, địa phương ưu tiên để tạo thuận lợi cho bà con nghèo tiếp cận.
“Việc rà soát, bình xét, giải ngân, hướng dẫn người dân sử dụng vốn… đều được chúng tôi quan tâm sát sao. Các tổ chức hội, đoàn thể luôn có sự phối hợp tốt với đơn vị, nhằm đưa nguồn vốn ưu đãi đến kịp thời cho người dân phục vụ sản xuất”, ông Kiên cho biết.
Cán bộ NHCSXH thăm vườn tiêu của người dân để kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn |
Theo UBND huyện Tuy Đức, vài năm gần đây, người nông dân trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn do giá cả các loại nông sản bấp bênh. Tuy nhiên, hằng năm, NHCSXH huyện triển khai nhiều chương trình cho vay, thời hạn dài, lãi suất thấp nên người dân có vốn sản xuất, giải quyết việc làm.
Nhiều hộ gia đình biết tích góp, làm ăn, đến nay cuộc sống rất ổn định. Từ đây, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm nhiều qua từng năm. Đến cuối 2021, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện còn dưới 30%, giảm rất nhiều so với năm 2016. Đặc biệt, nhờ sự hỗ trợ về nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, địa phương hướng tới lộ trình hoàn thiện xây dựng nông thôn mới tại một số địa bàn.
Thời gian tới, địa phương sẽ vận dụng tối đa nguồn vốn ưu đãi, lồng ghép nhiều chương trình để giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế. Cùng với nguồn vốn từ NHCSXH, hằng năm, huyện sẽ cân đối, trích ngân sách để ủy thác qua cho vay, góp phần tạo thuận lợi thêm cơ hội cho bà con nghèo trong quá trình giảm nghèo, phát triển kinh tế.