Tuy Đức mất mùa mắc ca
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:39, 13/04/2022
Gia đình ông Điểu Khưn, ở xã Quảng Trực, có 500 cây mắc ca đã cho thu hoạch nhiều năm nay. Thời điểm vườn mắc ca ra hoa, trên địa bàn xuất hiện mưa và sương muối nhiều, khiến bông bị thối, không thể đậu quả.
"Tôi tìm mỏi mắt mới được vài quả trên cây. Mắc ca là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi. Vụ này mất trắng, nên gia đình tôi sẽ rất khó khăn", ông Điểu Khưn cho biết.
Còn gia đình ông Điểu Drây, ở xã Quảng Trực, có hơn 200 cây mắc ca cũng trong tình cảnh tương tự. Vườn mắc ca của ông đậu rất ít quả, năng suất ước tính chỉ bằng 10% so với mọi năm.
Theo ông Điểu Drây, nguyên nhân mắc ca mất mùa là do những cơn mưa liên tục trong giai đoạn cây ra hoa. Mưa ẩm ướt, không có ánh nắng mặt trời, nên bông mắc ca thối, rụng, không đậu quả.
Ông Điểu Drây cho biết, quá trình cây mắc ca ra hoa, đậu quả chủ yếu dựa vào tự nhiên, không có can thiệp nào bằng khoa học kỹ thuật. Chính vì thế, khi gặp thời tiết bất lợi như năm nay, mắc ca rất khó đậu quả.
Theo UBND xã Quảng Trực, hầu hết người dân chưa biết cách ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, xử lý sâu bệnh cho cây mắc ca, nhất là thời điểm cây ra hoa, đậu quả non.
Chính vì thế, khi thời tiết bất lợi, bà con không biết xử lý vườn mắc ca thế nào để tránh mất mùa. Vì thế, nhiều bà con rất mong muốn ngành chức năng tổ chức các đợt tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc mắc ca. Để từ đó, bà con ứng dụng vào sản xuất, đem lại hiệu quả cao.
Tác động bất lợi của thời tiết khiến nhiều diện tích mắc ca không đậu quả trong vụ này |
Ông Phạm Xuân Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Trực cho biết, chính quyền địa phương khuyến cáo thời kỳ cây mắc ca ra hoa, đậu quả, người dân cần đặc biệt quan tâm.
Cụ thể, nếu hoa có biểu hiện yếu và thời tiết không thuận lợi như mưa bất chợt, sương muối nhiều, không khí ẩm thấp, ít nắng..., bà con nên kết hợp phun thuốc trừ sâu và phòng bệnh.
Trường hợp xảy ra mưa bất thường vào thời kì cây ra hoa, kết trái thì sau cơn mưa, bà con phải phun thuốc phòng trừ bệnh ngay. "Tuy nhiên, khuyến cáo này chưa được nhiều người dân áp dụng trong mùa này", ông Trung cho biết.
Theo kết quả kiểm tra, đánh giá của cơ quan chức năng, việc áp dụng các biện pháp phòng trị bệnh cho vườn mắc ca theo định kỳ của các hộ dân trên địa bàn chưa được thực hiện tốt, nhất là vào thời kì sau vụ thu hoạch và trước mùa mưa.
Hầu hết, các hộ trồng mắc ca đều để vườn cây phát triển tự nhiên. Việc bón phân, phòng trị bệnh chưa được chú trọng, thường xuyên, dẫn đến năng suất, hiệu quả kinh tế chưa cao.
Toàn huyện Tuy Đức có khoảng 1.500 ha mắc ca. Phần lớn diện tích mắc ca trồng trên địa bàn huyện đều sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh. Nhiều năm qua, mắc ca đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân.
Cây mắc ca được trồng tập trung chủ yếu trên địa bàn xã Quảng Trực, Đắk Búk So, Quảng Tâm, Đắk R’tíh. Mỗi năm, cây mắc ca ở huyện Tuy Đức cho thu hoạch 2 vụ vào tháng 6 - 7 và tháng 11 – 12 dương lịch.
Cũng theo ông Trung, những năm gần đây, nhờ nguồn thu nhập từ mắc ca, đời sống người dân, nhất là bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đã có nhiều đổi thay.
Thế nhưng, năm nay, mắc ca mất mùa, cộng thêm tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, khiến đời sống người dân trở nên khó khăn. Trong đó, nhiều bà con chưa kiếm được nguồn thu nhập thay thế....