Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi mùa mưa
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:53, 23/05/2022
Theo sở NN - PTNT, nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trong mùa mưa, toàn tỉnh đã hoàn thành đợt tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng. Đến 15/4, toàn bộ các khu vực ổ dịch cũ, nguy cơ cao, chợ buôn bán giết mổ động vật, khu vực đường mòn, lối mở đều được khử trùng nhằm tạo hiệu quả đồng bộ.
Hiện nay, các cơ quan thú y ở các huyện, thành phố đang triển khai tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng đợt 1 cho đàn gia súc với 22.300 liều. Đến giữa tháng 5 đã đạt trên 77%, trong đó có một số huyện như Cư Jút, Đắk Song đã hoàn thành.
Đặc biệt, lực lượng chuyên ngành đã tăng cường công tác kiểm dịch động vật, kiểm tra hoạt động vận chuyển ra, vào tỉnh để kịp thời phát hiện và xử lý những vi phạm, tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên địa bàn. Ngoài ra, các địa phương rà soát số đàn mới phát sinh để hướng dẫn người dân vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng vắc xin đầy đủ liều theo quy định.
Ông Lê Văn Thắng, thôn 11, xã Đắk Sin (Đắk R’lấp) thường xuyên theo dõi đàn gà để kịp thời phòng, chống dịch bệnh |
Từ sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các cấp, ngành, đoàn thể đã chú trọng công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người chăn nuôi và người tiêu dùng. Ông Lê Văn Thắng, thôn 11, xã Đắk Sin (Đắk R’lấp) cho biết, hiện ông đã chủ động chích ngừa đầy đủ các loại vắc xin cho đàn gà gần 1.000 con. Ông chú trọng việc cho gà ăn, uống đúng giờ, lượng thức ăn phù hợp theo độ tuổi và bổ sung một số loại vitamin tăng sức đề kháng cho đàn gà phát triển tốt.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã xảy ra dịch tả heo châu Phi tại 10 thôn thuộc 9 xã, của 4 huyện gồm Krông Nô, Đắk Mil, Cư Jút và gần đây là Đắk R’lấp. 477 con heo của người dân đã buộc phải tiêu hủy do dịch bệnh nguy hiểm này.
Khuyến cáo của ngành chăn nuôi, trong mùa mưa, thời tiết ẩm ướt là tác nhân gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của gia súc, gia cầm khi sức đề kháng giảm sút. Vì vậy, người chăn nuôi cần chủ động đề phòng dịch bệnh, thực hiện vệ sinh chuồng trại bằng các loại hoạt chất như: benkocid, virkon, vôi, bổ sung thức ăn tinh và xanh. Bà con nên cung cấp dinh dưỡng cho đàn vật nuôi, tiêm phòng dịch bệnh.
Người dân cần chú ý nuôi nhốt gia súc trong mùa mưa để phòng, chống dịch bệnh |
Đặc biệt, người dân thường xuyên kiểm tra sức khỏe đàn gia súc, gia cầm. Khi kiểm tra phát hiện đàn vật nuôi có dấu hiệu bất thường, người chăn nuôi cần báo ngay cho cán bộ thú y gần nhất để được hỗ trợ, hướng dẫn cách giải quyết.
Theo thống kê, cuối năm 2021, Đắk Nông có khoảng 320.000 con heo, đàn trâu, bò khoảng 33.500 con, đàn dê khoảng 45.000 con và khoảng 2,6 triệu con gia cầm.
Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2022 các loại vật nuôi đều tăng so với cuối năm 2021, cụ thể đàn heo 400.000 con, đàn trâu, bò 36.000 con, đàn dê 54.000 con và đàn gia cầm 2,8 triệu con. Để đạt được mục tiêu này thì việc chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh, nhất là các loại dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả heo châu Phi, viêm da nổi cục trâu bò cần được các cấp, ngành, người dân triển khai hiệu quả.