Đắk R’lấp đáp ứng kịp thời nguồn vốn cho nông dân
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:59, 01/06/2022
Hỗ trợ kịp thời
Hơn 8 giờ sáng 24/5, tại hội trường UBND xã Đắk Sin (Đắk R'lấp), đông đảo người dân đã đến để giao dịch với NHCSXH huyện. Người trả nợ đến hạn, người vay mới… không khí rất sôi nổi.
Có mặt tại điểm giao dịch khá sớm, ông Lê Văn Mười, thôn 2, xã Đắk Sin, cũng đang đợi đến lượt để được ngân hàng giải ngân nguồn vốn vay.
Theo ông Mười, gia đình ông đã được tiếp cận vốn của NHCSXH từ năm 2018 thông qua chương trình hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Có vốn, ông đầu tư máy móc, phân bón chăm sóc hơn 2 ha cà phê, hồ tiêu.
Hằng năm, gia đình ông còn tích góp thêm để chăn nuôi dê. Tháng 4/2022, món vay đến hạn, nên ông đã tích góp trả ngân hàng theo quy định.
Xét thấy gia đình ông còn nhiều khó khăn, địa phương và NHCSXH tiếp tục bình xét, tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng theo chương trình hộ cận nghèo để phục vụ sản xuất.
Người dân xã Đắk Ru được vay vốn NHCSXH để chăm sóc, phát triển cây măng cụt |
Ông Mười chia sẻ: “Giá cả nông sản đang có sự khởi sắc. Trong thời điểm này, được vay vốn từ NHCSXH đã giúp nông dân kịp thời có vốn đầu tư. Quan trọng hơn, với lãi suất thấp, thời hạn vay dài, nông dân chúng tôi giảm bớt áp lực trả nợ”.
Tương tự, năm 2018, chị Lương Thị Hoài Thương, thôn 15 xã Đắk Wer (Đắk R'lấp) cũng được vay vốn từ NHCSXH đầu tư vào mô hình sản xuất của gia đình. Hiện tại, gia đình chị đang tập trung vào chăm sóc bò, phát triển cây ngắn ngày phục vụ đời sống, tăng thu nhập.
Theo chị Thương, ban đầu, từ nguồn vốn vay NHCSXH, chị đầu tư mua 2 con bò giống. Việc chăn nuôi thuận lợi, nên đến nay đàn bò phát triển lên 18 con. Tận dụng nguồn phân chuồng, chị đầu tư trồng thêm cây chanh, su su để tăng thu nhập.
“Khi đàn bò chưa đến thời điểm xuất bán, gia đình tôi có nguồn thu từ cây ngắn ngày. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, hàng tháng gia đình bảo đảm tiền sinh hoạt và trả lãi ngân hàng”, chị Thương chia sẻ.
Từ nguồn vốn vay NHCSXH, chị Lương Thị Hoài Thương, xã Đắk Wer có điều kiện để phát triển đàn bò |
Rà soát đến đâu, giải ngân đến đó
Tính đến hết tháng 4/2022, tổng dư nợ tại Phòng Giao dịch NHCSXH Đắk R’lấp thực hiện là gần 400 tỷ đồng, với 8.755 hộ gia đình được vay vốn. Với mục tiêu rà soát đến đâu cho vay đến đó, Phòng Giao dịch tập trung hoàn thiện hồ sơ để giải ngân cho bà con.
Theo ông Mai Văn Nam, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH Đắk R’lấp, hàng năm, đơn vị bám sát chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là kế hoạch giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới để rà soát nhu cầu.
“Với phương châm “gõ từng nhà, rà từng hộ gia đình”, chúng tôi tổng hợp nhu cầu vay vốn, kịp thời hoàn thiện hồ sơ, trình cấp thẩm quyền phê duyệt để cho Nhân dân vay vốn”, ông Nam cho biết.
Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", chị Thương còn trồng thêm vườn su su để nâng cao thu nhập |
Cũng theo ông Nam, mặc dù rà soát nhanh đối tượng, nhưng việc bình xét cho vay được đơn vị thực hiện rất chặt chẽ. Các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, đơn vị sẽ ưu tiên cho vay vốn trước. Các chương trình vay được đơn vị phối hợp chính quyền địa phương cho vay đúng đối tượng.
Hằng tháng, Phòng Giao dịch nắm chắc số tiền thu nợ trong kỳ, chủ động rà soát đối tượng, chuẩn bị hồ sơ, giải ngân kịp thời cho các đối tượng có nhu cầu thụ hưởng trong kỳ giao dịch.
Đối với những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, các địa phương, tổ chức hội nhận ủy thác, tổ Tiết kiệm và Vay vốn sẽ phản hồi ngân hàng. Trên cơ sở này, NHCSXH chủ động có giải pháp để xử lý kịp thời.