Giống - yếu tố quan trọng để phát triển mắc ca bền vững
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:45, 02/06/2022
Gia đình chị Ngôn Thị Ý, ở xã Quảng Trực, có hơn 300 cây mắc ca trồng xen trong rẫy cà phê từ năm 2014. Chị Ý trồng mỗi năm 1 ít, đến nay hầu hết mắc ca đã cho thu hoạch.
Do trồng năm nào mua giống năm đó, nên trong rẫy của chị Ý có tới 5 loại giống mắc ca. Qua quá trình chăm sóc, theo dõi, chị cho biết, có 3 giống cho hiệu quả kinh tế, còn 2 giống cây phát triển tốt, ra hoa nhiều, nhưng hầu như vụ nào cũng không đậu quả hoặc lác đác mỗi chùm vài quả.
Điều đáng nói là cây ít quả chiếm hơn 1 nửa số cây mắc ca trong rẫy, nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Trong khi chị vẫn bón phân, chăm sóc đều đặn cho toàn bộ diện tích mắc ca hằng năm.
Hiện nay, chị Ý có 2 ha đất muốn chuyển đổi sang trồng mắc ca, nhưng chị không biết mua giống ở đâu để bảo đảm hiệu quả, nên đành bỏ dở. Chị Ý phân tích, chi phí giống khá cao, từ 35.000 – 40.000 đồng/cây tùy thời điểm.
Do đó, nếu mua phải giống kém chất lượng, chị có thể vừa mất tiền giống, vừa mất tiền công đầu tư, trong khi mắc ca 6 - 7 năm mới cho thu hoạch.
Tương tự, gia đình chị Thị Oanh, ở xã Quảng Trực, có gần 300 cây mắc ca. Cũng như nhiều vườn mắc ca khác tại địa phương, vườn của chị Oanh có nhiều giống mắc ca khác nhau.
Chị Thị Oanh chia sẻ: "Thời điểm trồng chưa có kinh nghiệm, mỗi năm mua một ít giống về trồng. Người ta bán giống gì mua giống đó, nên có nhiều giống cây không chuẩn".
Cũng theo chị Oanh, cây phát triển tốt, ra hoa nhiều, nhưng không năm nào đậu quả hoặc đậu lác đác vài quả mỗi chùm hoa. Năm nào chị cũng phát cỏ, bỏ phân theo hướng dẫn, nhưng không thấy đậu quả.
Thời gian đầu chị nghĩ rằng, chờ cây lớn và cho thu chính thì mắc ca đậu nhiều quả. Thế nhưng, đến nay 300 cây mắc ca, năm thu cao nhất chỉ được gần 3 tạ quả.
Giống chất lượng sẽ giúp người dân tạo nguồn thu nhập cao từ mắc ca |
Sau nhiều năm khảo sát, nghiên cứu, trải qua thực tế sản xuất, huyện Tuy Đức đã xác định, mắc ca là cây chủ lực của huyện. Cây mắc ca phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, đặc biệt phù hợp với phong tục, tập quán canh tác của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Đến nay, toàn huyện đã trồng được khoảng 1.500 ha mắc ca. Hơn 20 loại giống mắc ca đang được người dân trồng phổ biến trên địa bàn huyện. Các giống mắc ca phổ biến như: OC, 695, 800, 788, 246, 344, 741, 816, 842, 849, A4, A16, A38, QN1, Dadow...
Theo UBND huyện Tuy Đức, đến nay vẫn chưa có tài liệu nào khẳng định giống mắc ca nào cho năng suất cao, phù hợp nhất với điều kiện sinh thái của Tuy Đức. Vì vậy, người dân chủ yếu vẫn trồng tự phát, chưa có sự định hướng cụ thể nào về giống.
Quá trình sản xuất mắc ca hiện nay chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của người dân là chính. Do đó việc vườn cây mắc ca cho năng suất cao hay thấp còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, các hộ trồng chưa có kỹ thuật tác động nhiều.
Ông Đoàn Lê Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy Đức cho biết, sau 12 năm phát triển cho thấy cây mắc ca phù hợp với điều kiện, khí hậu địa phương, nhiều giống đã cho thu hoạch 2 vụ.
Tuy nhiên, mắc ca là cây trồng khá nhạy cảm với khí hậu, mỗi tiểu vùng khí hậu phù hợp với mỗi giống khác nhau, nên cần những đánh giá khoa học để khuyến cáo người dân.
Bên cạnh đó, loại cây trồng này phải mất 6 – 7 năm mới cho thu hoạch, nên cần quản lý tốt giống để tránh khi thu hoạch mới phát hiện giống kém chất lượng, gây thiệt hại lớn cho người dân.
Với thực trạng trên, để phát triển bền vững, hiện nay người dân đang rất cần có những đánh giá mang tính khoa học để có thể lựa chọn giống tốt, đầu tư có hiệu quả. Ngành chức năng cũng cần có định hướng sớm cho người dân về trồng mắc ca và những giải pháp hỗ trợ người dân ghép cải tạo những diện tích mắc ca thuộc giống chất lượng kém để hạn chế thiệt hại...