Triển vọng từ trồng nấm linh chi dưới tán rừng
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:48, 05/09/2022
Nhiều năm qua, gia đình bà Thái nhận chăm sóc, bảo vệ một số diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn. Quá trình bảo vệ rừng, bà Thái nhận thấy, cần phải tranh thủ, khai thác một số giải pháp để tạo thu nhập mà không tác động đến rừng.
Sau thời gian cân nhắc, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, bà Thái quyết định trồng thử nghiệm nấm linh chi dưới tán rừng. Năm 2021, bà trồng thử nghiệm 15.000 phôi giống nấm linh chi dưới tán rừng.
Bà Thái trồng nấm với mật độ 16 phôi/m2. Sau 4 tháng, nấm bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên. Sau khi xuống giống, công việc của bà Thái là thường xuyên kiểm tra độ ẩm của đất. Vào mùa khô, bà tưới nước thường xuyên để giữ ẩm cho đất, giúp cân bằng lượng nước để nấm phát triển.
Bà Thái cho biết, loại nấm này rất dễ trồng, dễ chăm sóc. Phôi nấm được cấy trực tiếp vào thân cây trước khi trồng trực tiếp xuống đất. Điều này giúp cung cấp cơ bản các chất để phôi nấm phát triển quanh năm.
Trồng 1 phôi nấm có thể thu hoạch quanh năm. "Kết quả kiểm nghiệm, sản phẩm nấm linh chi của tôi có dược tính cao hơn nấm linh chi của Hàn Quốc", bà Thái cho biết.
Trồng nấm linh chi dưới tán rừng đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới ở Tuy Đức |
Theo tính toán của bà Thái, với 1m2, bà trồng 16 phôi nấm linh chi và thu được khoảng 1,3 kg nấm tươi (gần 0,6 gram nấm khô). Sản phẩm nấm được bà bán với giá 900.000 đồng/kg khô.
Với mức giá này, bà có lãi từ 270.000-360.000/kg nấm khô. Nếu mọi việc thuận lợi, với 1 sào nấm linh chi trồng dưới tán rừng, mỗi năm có thể mang lại thu nhập tầm 700-800 triệu đồng.
Theo bà Thái, nấm linh chi trồng dưới tán rừng đều đạt tiêu chuẩn chứng nhận về bảo vệ rừng (FCS). Cụ thể ở đây là trồng nấm linh chi không gây ảnh hưởng, tác động đến rừng.
Qua trồng thử nghiệm, bà Thái nhận thấy, nấm linh chi trồng dưới tán rừng phát triển tốt, có dược tính cao, rất phù hợp để phát triển kinh tế. Trồng nấm linh chi dưới tán rừng có thể mở ra cơ hội phát triển kinh tế, tạo nguồn thu nhập cho nhiều người dân.
Đặc biệt, mô hình sản xuất này có thể giúp nâng cao hiệu quả bảo vệ, phát triển rừng. Người dân có thể tận dụng quỹ đất rừng sẵn có tại địa phương để trồng nấm, tạo việc làm, nâng cao thu nhập.
"Điều đáng lưu ý nhất là người trồng cần căn thời điểm thu hoạch cho đúng để nấm không chuyển hóa thành gỗ, làm mất đi hàm lượng dinh dưỡng quý", bà Thái chia sẻ.
Thời gian tới, bà Thái sẽ mở rộng diện tích trồng nấm linh chi dưới tán rừng và nhân rộng mô hình sản xuất này tại địa phương. Hiện nay, bà Thái đã thành lập Hợp tác xã VOS Đắk Nông để hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp phôi giống, bao tiêu sản phẩm nấm linh chi cho người dân.
Ông Đoàn Lê Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy Đức cho biết, qua theo dõi quá trình triển khai thực hiện mô hình cho thấy, nấm linh chi phát triển tốt tại địa phương. Loại nấm này dễ trồng, dễ chăm sóc, đầu ra tương đối tốt.
Đây là mô hình canh tác tốt, tạo điều kiện phát triển kinh tế, mang lại nguồn thu nhập bền vững cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu nhân rộng mô hình này sẽ giải quyết được "bài toán" tạo sinh kế dưới tán rừng. Từ đó, giúp huyện bảo vệ, phát triển rừng tốt hơn.