Quốc hội nghe, thảo luận về 2 dự án luật: Công chứng (sửa đổi) và Bảo vệ và kiểm dịch thực vật

Chính trị - Ngày đăng : 15:25, 29/10/2013

Sáng 29/10, Quốc hội nghe báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), thảo luận về dự án Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Báo cáo về dự án Luật Công chứng (sửa đổi)

Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày tại phiên họp, Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) lần này dự kiến sửa đổi, bổ sung 32 điều, bổ sung mới 11 điều, bãi bỏ 01 điều, tập trung vào việc sửa đổi quy định về phạm vi công chứng, sửa đổi một số nội dung về quản lý nhà nước về công chứng, bổ sung quy định về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên, xác định rõ hơn tư cách pháp lý của công chứng viên, quy định chặt chẽ hơn về đào tạo, tập sự hành nghề công chứng, làm rõ quyền và nghĩa vụ của công chứng viên, bổ sung một số quy định về việc thành lập và tổ chức hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng.

Qua thẩm tra, Ủy ban Pháp luật tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Công chứng năm 2006, đổi tên dự án này thành Luật Công chứng (sửa đổi) và trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật này theo quy trình.

Tuy nhiên, qua hoạt động giám sát, khảo sát và báo cáo của một số cơ quan, tổ chức, địa phương, cơ quan thẩm tra cho rằng, quá trình tổ chức và hoạt động công chứng trong thời gian qua còn bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, cần được sớm giải quyết nhưng chưa được đề cập hoặc đề cập chưa đầy đủ trong dự thảo Luật. Chẳng hạn như xác định loại việc cần phải công chứng; phân định phạm vi nội dung cần công chứng, chứng thực; xử lý hậu quả từ việc Phòng công chứng, Văn phòng công chứng chấm dứt hoạt động; vai trò quản lý và điều tiết của Nhà nước trong việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng... Ủy ban Pháp luật kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục tổng kết, nghiên cứu để có thể bổ sung thêm các nội dung nói trên vào dự thảo Luật.

Trong các nội dung cụ thể, cơ quan thẩm tra cho rằng, việc mở rộng phạm vi công chứng cả bản dịch giấy tờ là cần thiết, góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và giảm tải cho các cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện chứng thực bản dịch. Tuy nhiên, vì dịch thuật là công việc mang tính chuyên môn cao, nội dung, hình thức của giấy tờ có yêu cầu dịch thuật cũng như các ngôn ngữ cần dịch rất đa dạng, phức tạp, nhất là trong trường hợp dịch văn bản, giấy tờ từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt nên việc yêu cầu công chứng viên phải kiểm tra các tài liệu cần dịch và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của giấy tờ được yêu cầu dịch sẽ vượt quá khả năng của công chứng viên (Điều 13 của Luật cũng không quy định thành thạo ngoại ngữ là một tiêu chuẩn bắt buộc đối với công chứng viên). Mặt khác, chất lượng các bản dịch thời gian qua không cao là do quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, yêu cầu và trách nhiệm của đội ngũ dịch thuật viên chưa rõ ràng, thiếu sự quản lý chặt chẽ.

Vì vậy, dù có sử dụng hình thức công chứng hay chứng thực thì để nâng cao chất lượng bản dịch, pháp luật cần có quy định để quản lý tốt hơn các cá nhân, tổ chức thực hiện công việc dịch thuật và quy định rõ trách nhiệm pháp lý của những người làm công việc này (ví dụ như quy định về việc sát hạch, kiểm tra trình độ, cấp chứng chỉ hành nghề dịch thuật; công bố và quản lý danh sách dịch thuật viên được công nhận hoặc cấp chứng chỉ hành nghề, đặc biệt là quy định rõ trách nhiệm của người dịch khi nội dung dịch thuật có sai sót, không đúng với nội dung văn bản gốc).

Về đội ngũ công chứng viên, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ cần làm rõ thêm về cơ sở để sửa đổi, bổ sung những quy định này, ví dụ như cơ sở nào để kéo dài thời gian đào tạo nghề công chứng từ 06 tháng lên thành 12 tháng, ngoài việc kéo dài thời gian đào tạo nghề thì còn cần áp dụng các biện pháp nào khác để bảo đảm chất lượng của đội ngũ công chứng viên không; hoặc cơ sở nào để quy định công chứng viên được hành nghề đến khi đủ 65 tuổi nhất là đối với công chứng viên là viên chức tại các Phòng công chứng hiện nay vì không thống nhất với quy định của Luật viên chức, của Bộ luật lao động...

“Nhiều ý kiến băn khoăn về quy định người được miễn đào tạo nghề công chứng lại phải tham gia khóa bồi dưỡng nghề công chứng 03 tháng thì mới được đề nghị bổ nhiệm công chứng viên trong khi một số ngành, nghề khác như luật sư lại không có quy định này; quy định như vậy là thiếu nhất quán, không phù hợp. Trong báo cáo tổng kết thi hành Luật có nêu tỷ lệ công chứng viên có vi phạm phần lớn rơi vào nhóm được miễn đào tạo nghề công chứng”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh.

Quy rõ trách nhiệm trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Đóng góp cho dự thảo, nhiều đại biểu đều cho rằng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) phải có trách nhiệm trong việc thu gom, tiêu hủy các sản phẩm sau khi sử dụng.

Đại biểu Vi Thị Hương (Điện Biên) nêu quan điểm: dự thảo cần bổ sung quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phải có trách nhiệm bồi thường, khắc phục hậu quả nếu sản phẩm cung cấp gây tác hại cho môi trường. Chia sẻ quan điểm này, các đại biểu Nguyễn Thị Thu Hằng (Nam Định), Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang), Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) cho rằng việc quy định trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố bố trí kinh phí cho UBND các cấp trong việc thu gom, xử lý bao gói chứa thuốc BVTV sau sử dụng, thuốc vô chủ, không rõ nguồn gốc là khó khả thi, gây khó khăn cho ngân sách, bởi cấp xã không có cán bộ chuyên môn. Do vậy, bên cạnh nguồn ngân sách cần bổ sung quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đóng một khoản liên quan để từ đó có kinh phí bổ sung cho cấp xã để UBND cấp xã thuê cơ quan chuyên môn tiêu hủy.

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn), Phạm Văn Tấn (Nghệ An) cho rằng, những bao bì chứa đựng thuốc BVTV sau sử dụng có thể lên đến hàng trăm tấn thì sẽ gây khó cho ngân sách địa phương. Nên quy định, gắn trách nhiệm của nhà sản xuất, kinh doanh cũng như khuyến khích doanh nghiệp thu gom tái chế để sử dụng. “Dự thảo mới quy định kinh phí cấp cho tiêu hủy nhưng chưa có kinh phí cho việc thu gom, cần bổ sung quy định này và gắn trách nhiệm của các công ty sản xuất, kinh doanh”, đại biểu Tấn nói.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang), với việc ngân sách các địa phương eo hẹp, nhất là những tỉnh có nhiều đất nông nghiệp thì ngân sách sẽ khó lo đủ. Thế nên cần trích một phần từ các khoản thuế, phí doanh nghiệp đã nộp để hỗ trợ địa phương. Ngoài ra, dự thảo cần quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ sở sản xuất trong việc thu hồi bao gói sau sử dụng để tái sử dụng hay sản xuất để cho họ thấy trách nhiệm trong bảo vệ môi trường và trách nhiệm kinh doanh với cộng đồng.

Nguồn SGGP