Tăng cường công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội phục vụ lãnh đạo, quản lý

Chính trị - Ngày đăng : 10:15, 05/05/2014

Thực hiện đề án của Tỉnh ủy, trong những năm qua, công tác nắm bắt DLXH đã có những bước tiến vượt bậc, góp phần quan trọng trong việc cung cấp thông tin phục vụ cho sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh.

Để nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu dư luận xã hội (DLXH), ngày 27/12/2011, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu cho Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án “Nâng cao năng lực điều tra xã hội học, nắm bắt dư luận xã hội giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020”; đây là một văn bản rất quan trọng mang tính định hướng chỉ đạo hoạt động công tác nghiên cứu, nắm bắt DLXH, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy đối với công tác DLXH của tỉnh kể cả trước mắt và lâu dài.

Nắm bắt tốt dư luận xã hội góp phần phục vụ đắc lực công tác lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp. (Ảnh: Một góc bon Bu Jiang, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song). Ảnh: Mai Anh

Thực hiện đề án của Tỉnh ủy, trong những năm qua, công tác nắm bắt DLXH đã có những bước tiến vượt bậc, góp phần quan trọng trong việc cung cấp thông tin phục vụ cho sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh.

Để triển khai sâu rộng về công tác DLXH, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã thành lập bộ phận nghiên cứu DLXH trực thuộc Ban, đồng thời xây dựng được một đội ngũ cộng tác viên DLXH ở cơ sở gồm 50 người, ban hành Qui chế và tổ chức hoạt động đi vào nền nếp; từ năm 2011 đến nay đã tổ chức được 3 lớp tập huấn nghiệp vụ cho cộng tác viên DLXH và lãnh đạo Ban tuyên giáo cấp huyện, cấp xã (với 180 lượt người tham gia) nên chất lượng và hiệu quả công tác nắm bắt DLXH không ngừng được nâng cao, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Điểm nổi bật là, đã thường xuyên nắm bắt thông tin, DLXH trên mọi lĩnh vực, mọi địa bàn dân cư để xây dựng các báo cáo định kỳ hàng tháng và báo cáo chuyên đề, đột xuất; chất lượng các báo cáo ngày càng được nâng cao; đặc biệt các vấn đề nổi cộm liên quan đến an ninh chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội của tỉnh được cập nhật kịp thời, phân tích thấu đáo, được lãnh đạo tỉnh đánh giá cao; các vấn đề, sự việc phát sinh trong cuộc sống ở địa bàn dân cư được đề cập trong Báo cáo DLXH của tỉnh đều được các cấp lãnh đạo tỉnh quan tâm giải quyết; điều đó cũng thể hiện công tác nghiên cứu, nắm bắt DLXH góp phần quan trọng cho công tác lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp trong tỉnh.

Về Công tác điều tra xã hội học, từ năm 2011 đến nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tiến hành được 7 cuộc điều tra, trong đó nổi bật là: điều tra xã hội học việc triển khai Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy về “Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2011- 2015, định hướng đến năm 2020”; “Công tác xây dựng tổ chức Hội và phong trào nông dân tỉnh Đắk Nông” trên địa bàn toàn tỉnh; “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng trong khối cơ quan tỉnh”; giúp Thị ủy Gia Nghĩa điều tra xã hội học việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; đặc biệt tổ chức cuộc điều tra xã hội học về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh sau 10 năm thành lập...

Các cuộc điều tra đều đảm bảo tính chính xác, khách quan và khoa học, được các cấp, các ngành trong tỉnh ghi nhận; thông qua các số liệu điều tra, làm cơ sở cho việc đánh giá kết quả trong việc triển khai thực hiện những chỉ thị, nghị quyết của Đảng, đồng thời cũng làm luận cứ khoa học cho việc đề ra các chủ trương, quyết sách lớn của tỉnh.

Với kết quả trên, năm 2013, Bộ phận chuyên trách DLXH của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy được Viện Nghiên cứu DLXH thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương khen thưởng, là một trong sáu đơn vị trong toàn quốc đạt thành tích xuất sắc trong công tác DLXH.

Tuy nhiên, công tác điều tra xã hội học, nắm bắt dư luận xã hội của tỉnh Đắk Nông đến nay chủ yếu mới thực hiện tốt ở cấp tỉnh; ở cấp huyện, cấp xã tuy đã được triển khai song thực hiện chưa thường xuyên; một số cấp ủy chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác này, cho nên việc nắm bắt tình hình về tư tưởng, tình cảm, tâm trạng và dư luận xã hội của các tầng lớp nhân dân còn những hạn chế.

Để tăng cường công tác nghiên cứu, nắm bắt DLXH được sâu rộng và hiệu quả, góp phần phục vụ đắc lực cho công tác lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp trong tỉnh, vừa qua Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã có văn bản chỉ đạo các cấp trong tỉnh tăng cường công tác nghiên cứu, nắm bắt DLXH, trong đó yêu cầu các địa phương trong tỉnh coi công tác này là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy đảng; đối với cấp huyện, tiến hành tổ chức xây dựng đội ngũ cộng tác viên DLXH, bố trí cán bộ phụ trách lĩnh vực nghiên cứu DLXH, thường xuyên hoạt động có nền nếp và định kỳ báo cáo về tỉnh, cũng như phục vụ lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; đồng thời triển khai thí điểm công tác DLXH ở một số xã, phường trong tỉnh. Đối với các đoàn thể chính trị trong tỉnh, thường xuyên nắm bắt tư tưởng, tình cảm, tâm tư, nguyện vọng và DLXH trong đoàn viên, hội viên, phản ánh kịp thời cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương biết có hướng chỉ đạo.

Cảnh Phương