Quốc hội thông qua Nghị quyết chi 16 nghìn tỷ đồng cho ngư dân

Chính trị - Ngày đăng : 21:43, 09/06/2014

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 9/6, Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua các Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012, Nghị quyết về phương án đảm bảo cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013.

Quốc hội cũng nghe Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, nghe và thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Kiến nghị giám sát hai chuyên đề

Cho ý kiến vào Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015, các đại biểu đều đồng tình về số lượng chuyên đề và tiêu chí lựa chọn nội dung giám sát được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra.

Quốc hội sẽ tiến hành giám sát hai chuyên đề tại hai kỳ họp; Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát hai chuyên đề tại phiên họp; Hội đồng Dân tộc giám sát 1-2 chuyên đề, các Ủy ban giám sát 1 chuyên đề, báo cáo kết quả với Quốc hội tại kỳ họp.

Đại biểu thống nhất bên cạnh các nội dung giám sát theo thông lệ như chương trình giám sát hàng năm của Quốc hội (trọng tâm là các hình thức giám sát thông qua xem xét báo cáo của các cơ quan, giám sát theo chuyên đề và hoạt động chất vấn), để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giám sát, năm 2015, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.

Trên cơ sở các tiêu chí để lựa chọn nội dung giám sát, đa số các ý kiến nghiêng về hai nội dung giám sát chuyên đề là tình hình oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014.

Riêng chuyên đề về kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhiều ý kiến cho rằng nếu thực hiện được là rất tốt, tuy nhiên, do những hạn chế về thời gian và đây cũng chưa phải là vấn đề thực sự bức xúc nhất hiện nay, do đó, cần ưu tiên giám sát hai chuyên đề trên.

Theo đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), quản lý sử dụng đất đai trong nông lâm trường quốc doanh là một trong những vấn đề lớn đặt ra trong quản lý tài nguyên đất đai trong thời gian qua. Đây cũng là nơi khởi đầu của nhiều vụ khiếu kiện, khiếu nại, giám sát để tìm hướng và có giải pháp, chính sách khắc phục trong thời gian tới.

Đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng việc quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh là vấn đề khá nhức nhối, tồn tại trong thời gian dài và lãng phí rất lớn. Đại biểu đề nghị cần thực hiện ngay chuyên đề này bởi nó liên quan đến vấn đề tái cấu trúc nông nghiệp sắp tới.

Nhìn nhận tình hình oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự là vấn đề gây nhiều bức xúc trong dư luận nhân dân, nhiều đại biểu tán thành với việc lựa chọn nội dung này để giám sát trong năm 2015.

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng đề nghị cùng với việc giám sát tình hình oan sai trong các hoạt động tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cần giám sát cả hoạt động tố tụng hành chính, tìm hiểu tại sao Luật tố tụng hành chính chưa đi vào cuộc sống, vì sao người dân chưa tin tưởng đưa ra tòa hành chính xem xét, phán quyết các vấn đề liên quan. xây dựng nền hành chính minh bạch hiệu quả.

Các đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho rằng cần giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn ODA bởi tác động của nguồn vốn này là rất lớn.

Trải qua 20 năm sử dụng vốn ODA, hành lang pháp lý cơ bản vẫn là Nghị định, do đó, phải giám sát để đảm bảo quyết định sử dụng vốn đúng và hiệu quả, tránh việc để lại cho con cháu trả nợ sau này.

Giám sát tối cao về quản lý sử dụng vốn ODA là thể hiện Quốc hội cùng gánh trách nhiệm với Chính phủ trước nhân dân về sử dụng đồng vốn này, Quốc hội đã đến lúc cần giám sát chặt chẽ việc này, đại biểu Lê Thị Nga khẳng định. Các đại biểu cũng đề nghị bên cạnh giám sát chung, giám sát tổng thể, phải giám sát tình huống, những vấn đề cụ thể, đặc biệt là trong lĩnh vực tư pháp, phải đi sâu vào một số tình huống oan sai.

Thông qua hai Nghị quyết với tỷ lệ đồng thuận cao

Với 88,15% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2012. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2012 là 1.038.451 tỷ đồng (bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2011 sang năm 2012, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2011, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước).

Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.170.924 tỷ đồng (bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2012 sang năm 2013).

87,95% đại biểu cũng đã tán thành thông qua Nghị quyết về phân bổ sử dụng nguồn tăng bội chi ngân sách Nhà nước và giảm chi ngân sách Trung ương 2013. Trong đó, sử dụng 4.4673,7 tỷ đồng để chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các Nghị quyết của Quốc hội, thưởng thu vượt dự toán cho 5 tỉnh, hỗ trợ đầu tư cho các địa phương.

Quốc hội quyết định chi hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu và trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư 16.000 tỷ đồng; chi một số khoản thực sự cấp bách để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người có công cải thiện nhà ở, cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay Ngân hàng chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, chi chương trình 135…

Quốc hội giao Chính phủ xem xét quyết định phân bổ cụ thể và báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện tại Kỳ họp thứ 8.

Sáng 9/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật căn cước công dân và Dự án Luật hộ tịch. 

Góp ý vào Dự án Luật căn cước công dân, các đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành Luật này, nhằm thể chế hóa các quy định mới của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đồng thời tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, các đại biểu băn khoăn về tính khả thi và hiệu quả khi triển khai. Đặc biệt, với Luật này sẽ giảm bao nhiêu giấy tờ, thủ tục hành chính cho người dân. Đại biểu Lê Văn Huy (đoàn Nghệ An), Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh) và nhiều đại biểu cho rằng, Dự án Luật này cần phải xem xét kỹ và có lộ trình trong lập thẻ căn cước công dân, số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu quốc gia cho hiệu quả.

Các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo làm rõ nguồn kinh phí triển khai Dự án Luật lấy từ đâu? Cần bao nhiêu tiền và người dân phải đóng phí như thế nào khi làm thẻ căn cước công dân? Bởi thực tế vừa qua, nhiều chính sách của Nhà nước ban hành đúng nhưng khi triển khai không có kinh phí nên không đi vào cuộc sống, nhiều quy định khi triển khai không khả thi, gây phiền hà cho người dân.

Thảo luận về Luật Hộ tịch, đa số ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật đã đưa ra các quy định nhằm tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, tạo sự đổi mới trong công tác đăng ký và quản lý theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, để đảm bảo ổn định, tránh xáo trộn trong công tác quản lý Nhà nước về dân cư, một số ý kiến đề nghị Dự án Luật chưa nên mở rộng khái niệm hộ tịch theo hướng bao gồm cả hộ khẩu và gộp các vấn đề hộ tịch, hộ khẩu, căn cước công dân để giao cho một ngành thống nhất quản lý.

Nhiều ý kiến đề nghị cần có sự rà soát, phân biệt rõ những loại giấy tờ tùy thân để từng bước loại bỏ thủ tục hành chính và các loại giấy tờ không cần thiết, nhất là trong điều kiện áp dụng phương thức quản lý hiện đại như trong dự thảo Luật hộ tịch đã đề ra. Một số đại biểu băn khoăn về tính khả thi của Luật này. Lý do là hiện nay nhiều địa phương, cơ sở vật chất và nhân lực chưa đáp ứng được một số quy định, yêu cầu của Luật hộ tịch.

Đại biểu Võ Thị Dung, đoàn thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến: “Quy định của Luật còn bất cập. Nhiệm vụ của ủy ban nhân dân cấp xã thì nhiều nhưng cơ sở hạ tầng và nhân lực chưa đồng bộ với Luật. Về bộ máy, ở khoản 1 điều 72 quy định công chức tư pháp hộ tịch. Hiện nay dồn về cơ sở mà không có người chuyên trách, đó là bất cập, không khả thi. Cơ sở vật chất chưa đầy đủ thì thực hiện Luật hộ tịch như thế nào? Thông tin về cơ sở dữ liệu về hộ tịch thì ngành nào cũng khai thác, nay thực hiện Luật thì hợp nhất lại và cập nhật dữ liệu là cả một vấn đề”.

V.D (t.h)