Quốc hội chất vấn các Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp

Chính trị - Ngày đăng : 08:33, 12/06/2014

Ngày 11/6, Quốc hội đã tiến hành chất vấn các Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp về những chủ đề nóng mà dư luận đang quan tâm.

Kinh tế Việt Nam không phụ thuộc vào Trung Quốc

Tâm điểm của gần 1 giờ đồng hồ phần tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng sáng 11/6 vẫn là nội dung làm sao để quản lý nợ công, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia cũng như mối quan hệ phụ thuộc của kinh tế Việt Nam với Trung Quốc.

Trả lời câu hỏi của ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) về giải pháp nếu không tăng được thu 12% - 14% để cân đối nợ công và mức độ ảnh hưởng từ sự kiện biển Đông, Bộ trưởng Bộ Tài chính tái khẳng định, điều quan trọng là thắt chặt chi tiêu, tăng kỷ luật kỷ cương tài chính để có nguồn thực hiện trả nợ; bằng mọi cách tạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tại Đồng Nai, Bình Dương, Hà Tĩnh để tiếp tục tạo môi trường ổn định nhằm thu hút đầu tư; huy động dài hạn để tái cơ cấu nợ công trong nước... Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển Việt Nam bước đầu đã có những ảnh hưởng “nhưng còn dài dài tùy vào diễn biến trên biển Đông và cách giải quyết trong nước của ta hiện nay”.

Đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho biết, nhiều cử tri đã gọi cho ông để bày tỏ ý kiến cho chất vấn người đứng đầu ngành tài chính. Đó là, sự phát triển của kinh tế Việt Nam không thể không tính tới yếu tố Trung Quốc. Nhiều cử tri muốn Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời về mức độ phụ thuộc trong lĩnh vực tài chính của Việt Nam với Trung Quốc về: nợ công, ODA và các dự án liên quan; hiệu quả đầu tư của vốn doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc vào Việt Nam; vai trò của doanh nghiệp Trung Quốc trong việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam; Bộ Tài chính, Chính phủ có chính sách gì để tránh nguy cơ lệ thuộc?

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Việt Nam không vay nhiều vốn từ phía Trung Quốc. Riêng trong lĩnh vực chứng khoán, đầu tư của các nhà đầu tư Trung Quốc chỉ chiếm 0,33% so với quy mô của thị trường chứng khoán và là mức không lớn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đồng tình và cho rằng, câu trả lời của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng là rõ ràng. Kinh tế của chúng ta không phụ thuộc vào Trung Quốc. Chúng ta hợp tác làm ăn, nếu thua thì hai bên cùng thua. Vay mượn của chúng ta đối với Trung Quốc không nhiều và chưa đến mức độ phụ thuộc lớn. Kết luận phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, nợ công, nợ Chính phủ đang ở trong mức giới hạn cho phép nhưng đã đe dọa tình hình an ninh tài chính. Do vậy, cần phải tập trung giải quyết các vấn đề như: tái cơ cấu nguồn vay bởi vay 1 - 3 năm chưa sử dụng đã phải trả nợ “như vậy là xấu” nên cần tăng vay dài hạn 5 - 20 năm. Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, với 50% vốn vay trong nước là ngắn hạn nên Bộ trưởng Bộ Tài chính cần phải báo cáo Chính phủ có các giải pháp cần thiết. Bên cạnh đó, cần phải cân đối nguồn thu hợp lý bởi 25% thu dành để trả nợ là quá cao và cần kéo về tỷ lệ khoảng 17% - 20%. Bộ Tài chính cần rà soát tổng thể nợ công, nợ Chính phủ và có giải pháp an toàn. Hiện nay chưa có vấn đề nhưng đến năm 2016, 2017 hay năm 2020 sẽ có vấn đề nên cần kiểm soát, cân đối lại việc vay, trả nợ.

Sẽ chỉ còn 1 kỳ thi quốc gia “2 trong 1”

Phần chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận tập trung xoáy vào vấn đề sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều mà một trong nguyên nhân chính là do chất lượng giáo dục đại học còn nhiều yếu kém; ồn ào về vụ đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa (CT-SGK) 34.000 tỷ đồng; đổi mới thi tốt nghiệp gây băn khoăn...

ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận.

Theo ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận), đổi mới thi tốt nghiệp THPT 2014 vừa qua gây nhiều băn khoăn, việc cho phép học sinh tự chọn môn thi có thể làm cho học sinh học lệch. “Đến khi nào chỉ còn 1 kỳ thi và được tổ chức theo hình thức nào?”, ĐB đặt câu hỏi.

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, trước đây thi tốt nghiệp 6 môn, cứ ngày 31/3 hàng năm thì bộ công bố các môn thi tốt nghiệp, khiến giáo viên, học sinh phải nôn nóng chờ đợi. Học sinh cũng sẽ đoán được năm nay thi môn này thì năm sau không thi môn khác nữa, vì vậy cũng là yếu tố để học sinh học lệch. Năm 2014, thi 4 môn, cho tự chọn 2 môn là muốn ngoài đánh giá được kiến thức phổ thông của học sinh, còn để các em gắn với định hướng nghề nghiệp của học sinh, phát huy được năng lực, sở trường của các em trước ngưỡng cửa cuộc đời.

Tuy nhiên có thực tế năm nay là có những phòng thi chỉ 1 thí sinh, ngành giáo dục sẽ cân nhắc, tính toán. Nhưng chứng tỏ đã chuyển từ dạy và học theo số đông đã chuyển dần sang dạy và học để phát huy năng lực của học sinh.

Cả ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) và ĐB Phạm Thị Hải (Đồng Nai) đều chất vấn, một trong khâu yếu nhất của HS-SV Việt Nam là khả năng ngoại ngữ. Chính phủ đã có đề án dạy và học ngoại ngữ quốc gia với kinh phí rất lớn, vậy tại sao đổi mới thi tốt nghiệp THPT bộ lại cho phép học sinh thi tự chọn môn ngoại ngữ, làm lãng phí hàng ngàn tỷ đồng của đề án?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, chủ trương nhất quán là nâng cao trình độ ngoại ngữ của HS-SV. Nhưng thực tế cho thấy, cách dạy, học ngoại ngữ của HS-SV Việt Nam hiện nay không giống bất cứ quốc gia nào. “Học chủ yếu là ngữ pháp, học hết THPT cũng không nói được ngoại ngữ. Phát âm không chuẩn. Vì thế phải đổi mới cách dạy và học môn này. Dứt khoát chấm dứt tình trạng nhận bằng, chứng chỉ ngoại ngữ nhưng không sử dụng được. Trong khi chờ đổi mới thì chúng tôi không muốn tăng tốc việc dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường nữa, chờ đầy đủ các điều kiện để đổi mới thực sự môn này”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải thích.

ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) chất vấn, hiện có gần 72.000 sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, hoặc phải làm trái nghề. “Mở đào tạo tràn lan các trường đại học, chỉ đào tạo các ngành hot, chủ yếu là khoa học nhân văn mà không quan tâm đến các ngành kỹ thuật cơ bản, đó có là nguyên nhân gây mất cân đối ngành nghề dẫn đến tình trạng 72.000 sinh viên thất nghiệp”, ĐB Thân Đức Nam thẳng thắn. Đây cũng là chất vấn của ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) khi hỏi Bộ trưởng: Trách nhiệm thuộc về ai?

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, vấn đề việc làm liên quan nhiều yếu tố: cung - cầu thị trường, yếu tố nhân lực, thể chế... Ngành giáo dục liên quan đến phần cung. Trách nhiệm của bộ trong vấn đề sinh viên thiếu việc làm là ở chỗ, trong một thời gian dài giáo dục đại học chú trọng đến quy mô, số lượng mà chưa chú ý đúng mức đến các điều kiện bảo đảm chất lượng. Các trường chủ yếu đào tạo theo cái mình có, chưa theo cái thị trường lao động cần... “Bộ GD-ĐT có trách nhiệm chính trong việc để xảy ra yếu kém này”, Bộ trưởng thẳng thắn. Bộ trưởng cũng cho biết vừa qua, hàng loạt giải pháp đã được ngành giáo dục triển khai nhằm siết chặt việc đào tạo đại học, nâng cao chất lượng. “Để bảo đảm việc làm, liên quan đến vấn đề thị trường, thể chế, chúng tôi cùng Bộ LĐTB-XH đã cùng nhau để xử lý vấn đề cung đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực của thị trường lao động. Triển khai Nghị quyết 29, Chính phủ cũng giao nhiều bộ, ngành thực hiện các đề án liên quan để giải bài toán này”, Bộ trưởng cho biết.

Chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng, ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng, Bộ trưởng nhận trách nhiệm là đáng quý nhưng chỉ là một phần. Vấn đề là xử lý như thế nào? Vậy Bộ trưởng xử lý những người có trách nhiệm liên quan ra sao khi để xảy ra tình trạng giáo dục đại học yếu kém, để 72.000 sinh viên thất nghiệp? Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, xử lý trách nhiệm phải phân tích kỹ. “Mỗi năm có 400.000 người tốt nghiệp ĐH-CĐ. Trong 5 năm sẽ có 2 triệu. Nếu con số 72.000 sinh viên thất nghiệp là đúng thì tỷ lệ là 3,6%. Việc làm là vấn đề của thị trường lao động. Chúng ta chỉ khớp đào tạo và việc làm trong thời bao cấp, do có sự phân công. Khi thị trường lao động phát triển thì độ trễ, và sự không khớp giữa cung và cầu lao động là thực tế khách quan. Bộ GD-ĐT có trách nhiệm phải xử lý về nguồn cung, phải bảo đảm chất lượng hơn, cảnh báo ngành nghề rõ ràng hơn. Còn lại, phải là sự tham gia của cơ quan cung ứng nhân lực, các trung tâm dự báo nhân lực”.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng khẳng định, tới đây sẽ hạn chế thành lập mới các trường ĐH-CĐ. Bộ cũng đã thông báo từ nay đến 2015 tạm dừng nhận hồ sơ xin thành lập trường ĐH-CĐ mới. “Các tỉnh ủy, UBND luôn tha thiết xin thành lập trường, nhưng mong các đồng chí hiểu, chia sẻ chủ trương của Chính phủ”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tranh thủ diễn đàn Quốc hội để nhắn nhủ các địa phương.

Ngăn việc cài lợi ích nhóm vào các văn bản

Chiều 11/6, Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường. Sự phức tạp của các văn bản hướng dẫn, tình trạng nợ đọng văn bản cùng việc xây dựng chính sách theo kiểu lợi cho mình, khó cho dân là vấn đề được nhiều ĐB quan tâm.

Điều khiến ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) băn khoăn là hiện tượng cài đặt lợi ích riêng của bộ, ngành trong văn bản. Điều đó khiến cho nhiều quy định tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý, đẩy khó cho người dân. Bên cạnh đó, hiện nay, chúng ta ít chấp nhận việc vừa thiết kế, vừa thi công. Nhưng các cơ quan vừa soạn thảo, vừa thực thi luật nên chính sách không rõ trong luật, đẩy khó cho người dân, dễ cho cơ quan quản lý. Quan điểm của Bộ Tư pháp ra sao về vấn đề này?

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy định, Bộ Tư pháp thẩm định văn bản từ quyết định của Thủ tướng Chính phủ trở lên, còn thông tư, thông tư liên tịch do pháp chế các bộ soạn thảo. Các dự thảo quyết định của Thủ tướng được thẩm tra chặt chẽ, lấy ý kiến các cơ quan liên ngành và đăng tải công khai trong 60 ngày. Các văn bản là thể chế đường lối, chính sách của Đảng và nhiệm vụ của cơ quan thẩm tra là thẩm định dự án đó có phù hợp hay không. Do vậy, ý kiến về có lợi ích nhóm, cục bộ của bộ, ngành trong các văn bản từ quyết định của Thủ tướng trở lên “chưa phải vấn đề gì đặt ra”. Còn các văn bản thông tư, thông tư liên tịch đúng là vừa qua có số vấn đề phát sinh, cử tri quan tâm. Bộ Tư pháp đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được đồng ý là sẽ xây dựng đề án thí điểm kiểm soát tập trung các văn bản này trên một số lĩnh vực gắn chặt người dân. Tuy nhiên, do có ý kiến là thí điểm này trái với luật nên trong dự thảo sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ đưa quy định về cơ chế kiểm soát tập trung, tránh việc cài đặt lợi ích nhóm vào trong văn bản.

Về vấn đề xây dựng văn bản theo kiểu “vừa thiết kế, vừa thi công”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận phản ánh này “có lý nhưng chưa hoàn toàn” vì theo quy trình, trước khi xây dựng văn bản pháp luật thì cơ quan soạn thảo phải tổng kết thực tiễn thi hành. Các chính sách đưa ra phần lớn là hiện thực hóa chính sách của Đảng. Tuy nhiên, để làm tốt việc xây dựng chính sách, giữa tháng 7 tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự thảo sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó quy định các văn bản xây dựng sẽ có sự tham gia của các chuyên gia, của Quốc hội và về kỹ thuật sẽ có sự góp mặt của các chuyên gia luật.

Trả lời câu hỏi của ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) về việc có tình trạng bộ nào quản lý nhà nước lĩnh vực gì thì xây dựng quy định đó, Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì, điều phối nhưng có ý kiến dường như Bộ Tư pháp nể nang để văn bản ban hành “quyền nặng cho mình nhưng trách nhiệm nhẹ đi”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận, từ khi thực hiện công việc đổi mới thì chúng ta mới quan tâm đến công tác xây dựng văn bản pháp luật và thấy là còn nhiều chồng chéo. Chẳng có quốc gia nào hệ thống pháp luật lại phức tạp như Việt Nam hiện nay. Nhiều luật mẹ chưa có nhưng đã có luật con. “Hệ thống pháp luật của chúng ta phức tạp nhất thế giới”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói. Sự phức tạp này còn đến từ việc, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nhiều chủ thể được ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thậm chí là cấp chủ tịch xã. Việc có quá nhiều văn bản pháp luật khác nhau, nhiều chủ thể khác nhau nên pháp luật của chúng ta rất khó tuân thủ, chi phí tuân thủ lớn.

Một vấn đề khác được ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) quan tâm là bên cạnh tình trạng nợ văn bản hướng dẫn diễn ra phổ biến còn việc có tới hơn 300 trong số gần 1.600 văn bản đưa ra không đảm bảo chất lượng, không khả thi, có dấu hiệu không hợp hiến, hợp pháp. “Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của người đứng đầu ra sao và những văn bản sai trên ảnh hưởng ra sao đến đời sống?”. ĐB Bùi Mạnh Hùng đặt câu hỏi.

Phản hồi về vấn đề này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, những hướng dẫn ảnh hưởng đến người dân nếu ra chậm thì cũng vẫn có quy định hồi tố để đảm bảo quyền lợi cho dân khi luật đã ban hành. Có những văn bản ban hành chậm có lợi cho người dân, doanh nghiệp nhưng Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng thừa nhận, việc ban hành chậm sẽ làm vô hiệu hóa văn bản luật. Sắp tới, Bộ Tư pháp sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ làm rõ hơn về vấn đề này. Còn trách nhiệm của Bộ Tư pháp là sẽ tiếp tục kiểm tra đôn đốc việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn theo đúng quy định.

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp trả lời câu hỏi trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cần phải nói rõ hơn, trả lời cụ thể về hơn 300 văn bản mà Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo là sai pháp luật và các văn bản sai này đã gây hậu quả chưa? Bởi nếu căn cứ vào hơn 300 văn bản này để tổ chức thực hiện “thì gay go rồi”. Còn nếu không tổ chức thi hành thì lại vi phạm pháp luật. Do vậy, theo Chủ tịch, đây là vấn đề nghiêm trọng, và Bộ trưởng phải trả lời kỹ hơn. Trong đó, cần phân tích để tìm trách nhiệm, tìm cách giải quyết.

Sáng nay (12/6), Quốc hội sẽ tiếp tục dành thêm 40 phút để chất vấn và nghe trả lời chất vấn với Bộ trưởng Hà Hùng Cường.

Nguồn SGGP