Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế
Chính trị - Ngày đăng : 05:57, 14/06/2014
Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế.
Tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết về quản lý quỹ bảo hiểm y tế, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng các tỉnh, thành phố có số thu bảo hiểm y tế dành cho khám chữa bệnh lớn hơn số chi khám chữa bệnh trong năm thì phần kinh phí chưa sử dụng hết được phân bổ theo lộ trình.
Từ ngày Luật này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2020, 20% để lại tại các địa phương để các địa phương chủ động hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đáp ứng việc khám chữa bệnh thông tuyến ở địa bàn tỉnh; từ ngày 01/01/2021, phần kinh phí chưa sử dụng hết được hạch toán toàn bộ vào quỹ dự phòng để điều tiết chung như quy định tại khoản 3 Điều 35 của dự thảo Luật. Như vậy, sau lộ trình 5 năm, đến ngày 01/01/2021, quỹ bảo hiểm y tế sẽ được quản lý hoàn toàn tập trung, thống nhất và điều tiết chung trong phạm vi cả nước.
Đồng thời, để tiếp tục đảm bảo công bằng, giảm chênh lệch mức tiếp cận chính sách an sinh xã hội giữa các địa bàn, các nhóm đối tượng, phần ngân sách Nhà nước dành cho y tế hằng năm phải được điều chỉnh theo hướng đầu tư tập trung cho các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển và hải đảo nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, nhân lực đảm bảo cơ hội tiếp cận bình đẳng về chăm sóc sức khỏe cho người dân ở những địa bàn này.
Về thẻ bảo hiểm y tế và quyền lợi của trẻ em tham gia bảo hiểm y tế tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng trường hợp trẻ đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng đến ngày 30/9 của năm đó như quy định tại điểm d khoản 3 Điều 16.
Thời điểm lấy phiếu tín nhiệm thế nào cho hợp lý?
Thảo luận Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), các ý kiến tập trung cho ý kiến vào đối tượng lấy phiếu tín nhiệm; thời điểm lấy phiếu tín nhiệm; mức đánh giá trong lấy phiếu tín nhiệm; hệ quả đối với người được đánh giá “tín nhiệm thấp”… ; làm rõ một số điểm về quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm
Bàn về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm (Điều 1), nhiều ý kiến nhất trí với việc tiếp tục giữ phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và Hội đồng Nhân dân như đã quy định tại Nghị quyết số 35. Tên gọi của Nghị quyết đã xác định rõ đây là việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Mặc dù thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện cũng là những người chịu sự giám sát của Hội đồng Nhân dân và có trách nhiệm báo cáo, trả lời chất vấn tại Hội đồng Nhân dân, nhưng thẩm quyền đánh giá, quản lý cán bộ lại không thuộc Hội đồng Nhân dân. Do vậy, việc đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh này sẽ được thực hiện theo quy định khác của pháp luật về cán bộ, công chức và các quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị.
Thảo luận về thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm (Điều 7), một số ý kiến tán thành với đề xuất sửa đổi thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm như trong dự thảo Nghị quyết là tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần vào năm thứ ba của mỗi nhiệm kỳ, riêng đối với nhiệm kỳ 2011-2016 tiếp tục tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp cuối năm 2014.
Các ý kiến này cho rằng quy định tổ chức lấy phiếu tín nhiệm mỗi nhiệm kỳ một lần vừa bảo đảm cơ chế giám sát, đánh giá cán bộ, vừa tạo điều kiện để cán bộ có đủ thời gian thể hiện năng lực, trình độ của mình, đồng thời tạo điều kiện để cơ quan có thẩm quyền chuẩn bị điều chỉnh hoặc thay thế cán bộ khi cần thiết.
Về mức độ tín nhiệm thể hiện trên phiếu vẫn còn những quan điểm khác nhau. Một số ý kiến nhất trí với việc tiếp tục quy định 3 mức độ đánh giá tín nhiệm đối với việc lấy phiếu tín nhiệm như đã quy định trong Nghị quyết số 35 là “tín nhiệm cao,” “tín nhiệm,” “tín nhiệm thấp.”
Việc xác định 3 mức này là bảo đảm tính thận trọng trong công tác cán bộ và phù hợp với đặc điểm công tác cán bộ ở Việt Nam, bởi lẽ người đang giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn trước hết phải là những người đã được đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân tin tưởng, tín nhiệm lựa chọn khi bỏ phiếu bầu hoặc phê chuẩn.
Nhiều ý kiến đề nghị chỉ nên quy định 2 mức độ “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp” đối với quy trình lấy phiếu tín nhiệm bởi cho rằng việc quy định 3 mức độ đánh giá tín nhiệm khó dẫn đến việc xử lý được cán bộ chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ, chưa đáp ứng được nguyện vọng của cử tri. Một số ý kiến khác đề nghị đổi mức độ “tín nhiệm thấp” hiện nay thành “không tín nhiệm”…