Quy chế của Ban Chỉ đạo TW về quản lý biên chế thống nhất
Chính trị - Ngày đăng : 21:39, 01/08/2014
Theo Quy chế, Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế thống nhất của hệ thống chính trị có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị xem xét, quyết định các chủ trương, nguyên tắc về biên chế, tinh giản biên chế; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách... của các tổ chức (các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội; các cơ quan hành chính Nhà nước; Quốc hội và các cơ quan tư pháp) trong hệ thống chính trị.
Trên cơ sở chủ trương, nguyên tắc của Bộ Chính trị và các quy định hiện hành, Ban Chỉ đạo Trung ương hướng dẫn các cơ quan có thẩm quyền về quản lý biên chế xây dựng kế hoạch quản lý, sử dụng biên chế 5 năm và hằng năm; tiến hành tổng hợp, thẩm định, báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
Căn cứ vào Quyết định của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương thông báo để các cơ quan có thẩm quyền quản lý biên chế thực hiện; chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát thực hiện các chủ trương, quyết định của Bộ Chính trị về quản lý biên chế.
Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế thống nhất của hệ thống chính trị có quyền hạn: yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền về quản lý biên chế và các cơ quan có liên quan trực tiếp báo cáo, cung cấp những thông tin cần thiết phục vụ cho hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương; báo cáo định kỳ hằng năm và 5 năm về tình hình quản lý, sử dụng biên chế; kiến nghị với Bộ Chính trị biểu dương các cơ quan, tổ chức thực hiện đúng; xem xét đối với những cơ quan, tổ chức thực hiện không đúng chủ trương, nguyên tắc về quản lý và sử dụng biên chế.
Quy chế quy định rõ trách nhiệm của các thành viên: Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương; Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương; Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương. Các thành viên của Ban Chỉ đạo Trung ương được sử dụng bộ máy của cơ quan, tổ chức do mình quản lý, phụ trách để thực hiện nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo Trung ương phân công.
Về nguyên tắc làm việc, Ban Chỉ đạo Trung ương chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị. Ban Chỉ đạo Trung ương làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể thảo luận, Trưởng Ban kết luận và chỉ đạo thực hiện.
Ban Chỉ đạo Trung ương họp định kỳ 1 năm 2 lần, họp bất thường khi cần. Văn phòng Trung ương Đảng cấp kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương.
Ban Chỉ đạo Trung ương thành lập Tổ giúp việc gồm một số đồng chí lãnh đạo cấp bộ và một số lãnh đạo cấp vụ có chức năng tham mưu về biên chế và quản lý biên chế của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Ban Công tác đại biểu Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Tài chính do Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương làm Tổ trưởng.
Tổ giúp việc thực hiện các nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo Trung ương giao. Thành viên Tổ giúp việc làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 21/7 vừa qua.