45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đảng là đại diện tiêu biểu cho khối đoàn kết dân tộc

Chính trị - Ngày đăng : 10:29, 06/10/2014

Trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh truyền thống đoàn kết trong Đảng; yêu cầu thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; mỗi cán bộ đảng viên phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng; giữ gìn Đảng ta thật trong sạch.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng muốn thành công “trước hết phải có Đảng cách mệnh”, “cách mạng là việc chung của cả dân chúng chứ không phải của riêng một hai người”. Do đó, đại đoàn kết phải có định hướng, có lãnh đạo. Trong khối đại đoàn kết dân tộc, Đảng Cộng sản không chỉ là một bộ phận bình đẳng mà là linh hồn, là lực lượng lãnh đạo. Vị trí, vai trò đó của Đảng mang tính khách quan, bởi vì Đảng là đạo đức, là văn minh.

Để xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân và của cả dân tộc, đòi hỏi Đảng phải có trí tuệ, cách mạng, là đại diện tiêu biểu cho khối đoàn kết dân tộc; mỗi đảng viên phải giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Với vai trò là một tổ chức chặt chẽ cao nhất của giai cấp công nhân, để giữ gìn, phát huy sự đoàn kết, Đảng phải luôn tuân thủ những nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt nhất định mà nếu vi phạm thì Đảng sẽ suy yếu và tan rã.

Theo đó, trong công tác xây dựng Đảng nói chung, xây dựng Đảng cầm quyền nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập nhiều nguyên tắc. Những nguyên tắc đó đều xuất phát từ học thuyết Mác-Lênin về xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp vô sản.

Trong đó, nguyên tắc tập trung dân chủ là một trong những nguyên tắc cơ bản. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh nguyên tắc này và chỉ rõ tập trung và dân chủ gắn bó chặt chẽ với nhau. Dân chủ là tạo mọi điều kiện cho tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến để đóng góp cho Đảng.

Người nhấn mạnh: "Phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình; phải gom góp ý kiến của đảng viên để giúp đỡ Trung ương chuẩn bị Đại hội Đảng cho thật tốt”. Tập trung trong Đảng phải dựa trên cơ sở bảo đảm dân chủ, nghĩa là dân chủ càng tốt thì tập trung sẽ đúng hơn. Tập trung trong Đảng cũng có nghĩa là tất cả mọi đảng viên phải tuyệt đối phục tùng nghị quyết của Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh đến nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách: “Tập thể lãnh đạo là dân chủ, cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách tức là dân chủ tập trung. Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách phải gắn chặt với nhau”. Nguyên tắc này vừa chống lại bệnh độc đoán chuyên quyền, vừa chống lại sự dựa dẫm tập thể, không dám quyết đoán, không dám chịu trách nhiệm.

Độc đoán chuyên quyền là vi phạm dân chủ trong Đảng, dẫn đến những hậu quả khôn lường, phá hoại Đảng. Đồng thời, không dám chịu trách nhiệm sẽ làm tổ chức đảng bị tê liệt, không còn sức chiến đấu, làm cho đường lối, chủ trương, nghị quyết của tổ chức đảng chỉ nằm trên giấy, không biến thành hiện thực trong cuộc sống.

Tuy nhiên, trong công tác xây dựng Đảng, không được phép vin vào “cá nhân phụ trách” để lấn át tập thể, hoặc không phải việc gì nhỏ nhặt, vụn vặt, một người vẫn có thể giải quyết được cũng đưa ra bàn. Nguyên tắc này càng có ý nghĩa trong thời kỳ hiện nay, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, hình thành cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; khi công tác xây dựng Đảng được coi là then chốt, xây dựng kinh tế là trung tâm; khi mà trách nhiệm của cá nhân và của tập thể tổ chức đảng được phát huy tác dụng rõ rệt hơn bao giờ hết.

Trong công tác xây dựng Đảng cũng phải thường xuyên thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, Đảng ta bao gồm đủ các tầng lớp xã hội, có nhiều tính cách rất trung thành, rất kiên quyết, rất vĩ đại. Song trong Đảng ta cũng không tránh khỏi những tập tục, những tính nết, những khuyết điểm của xã hội bên ngoài lây ngấm vào Đảng.

Đảng ta gồm những người có đức, có tài. Phần đông những người hăng hái nhất, thông minh nhất, yêu nước nhất, kiên quyết, dũng cảm đều ở trong Đảng. Tuy vậy, không phải là người người đều tốt, việc việc đều hay. Người đời không phải thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm; mỗi con người đều có cái thiện với cái ác ở trong lòng.

Do vậy, mục đích tự phê bình và phê bình là để làm cho phần tốt của trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân, phần xấu bị mất dần đi, thang thuốc hay nhất là thiết thực tự phê bình và phê bình. Phải thường xuyên tự phê bình  và phê bình như người ta rửa mặt hàng ngày. Tự phê bình  và phê bình phải thẳng thắn, chân thành, nghĩa là không nể nang, không thêm bớt, “không giấu bệnh sợ thuốc”; đồng thời, phải có “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Tự phê bình và phê bình trên tình đồng chí, cốt để giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, chứ không phải để xoi mói, nói xấu nhau, “không phải đập cho tơi bời”. Với tinh thần tự phê bình và phê bình như vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng mới luôn trong sạch, vững mạnh hơn, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

Tường Mạnh