Quyền sử dụng đất và chuyển quyền sử dụng đất được hiến định rõ ràng
Chính trị - Ngày đăng : 08:56, 21/10/2014
Trước hết phải khẳng định, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất là một trong những công cụ quan trọng trong quản lý nhà nước về đất đai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, phát huy nguồn lực của đất đai trong phát triển của đất nước.
Với vai trò làm đại diện chủ sở hữu, Nhà nước thực hiện trao quyền sử dụng đất cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng đất thông qua giao đất và cho thuê đất. Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cũng là một việc làm hết sức nhạy cảm vì nó liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người sử dụng đất.
Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất là để các tổ chức, cá nhân ổn định lâu dài đối với nhiều vấn đề liên quan đến đất đai. Nhưng Nhà nước cũng phải luôn quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc tích tụ tập trung ruộng đất phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và sự phát triển của nông nghiệp, công nghiệp dịch vụ.
Việc Nhà nước đẩy mạnh giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài ổn định cho công dân, nhất là nông dân cũng là nhằm tạo sự yên tâm, phát huy năng lực sản xuất của người dân ngay chính trên mảnh đất của mình. Mặt khác, về phía các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cũng phải luôn đặc biệt hết sức lưu ý đến các quy định của pháp luật khi giao đất, cho thuê đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, để đất đai được quản lý theo đúng quy hoạch.
Đặc biệt, việc Hiến pháp bổ sung quy định “quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ” là nhằm thể hiện thái độ tôn trọng, bảo vệ của Nhà nước đối với quyền sử dụng đất của công dân, vừa tạo cơ sở pháp lý vững chắc để tiếp tục phòng, chống và xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm trong thực hiện pháp luật về đất đai. Đây là lần đầu tiên việc bảo hộ quyền sử dụng đất và việc chuyển quyền sử dụng đất được hiến định rõ ràng. Với việc quyền sử dụng đất được quy định như một dạng tài sản thì người nắm quyền sử dụng đất có thể chuyển nhượng, tặng, cho, cho thuê, để lại thừa kế, góp vốn kinh doanh.
Điều đáng nói nữa là trên tinh thần của Hiến pháp, luật Đất đai năm 2013 cũng quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo hộ các quyền của người sử dụng đất. Cụ thể như Nhà nước bảo hộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất; có chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Nhà nước hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối không có đất sản xuất do quá trình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Nhà nước có chính sách về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng; có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất để sản xuất nông nghiệp. Nhà nước có trách nhiệm xây dựng, cung cấp thông tin đất đai và bảo đảm quyền tiếp cận của tổ chức, cá nhân đối với hệ thống thông tin đất đai.
Có thể nói, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đất đai trở thành nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế, đời sống của đại bộ phận nhân dân. Vì vậy, chế độ sở hữu, quản lý và sử dụng đất đai là một trong những chế định kinh tế quan trọng mà các cơ quan nhà nước, các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội cần phải quan tâm, hiểu rõ để thực hiện cho đúng, góp phần đảm bảo sự ổn định xã hội, phát triển đất nước.