Quốc hội thảo luận về dự án Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân

Chính trị - Ngày đăng : 16:56, 28/10/2014

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, sáng 28/10, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật và thảo luận ở hội trường về dự án Luật Hộ tịch. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Luật Căn cước công dân (CCCD).

Quyền cơ bản của trẻ em là phải được cấp giấy khai sinh

Thảo luận về dự án Luật Hộ tịch, đa số các ĐB đều tán đồng với phương án tán thành việc tiếp tục cấp Giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh thay vì phương án bỏ việc cấp giấy khai sinh (thay vào đó cấp thẻ căn cước công dân). Các ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc), Nguyễn Thị Tuyết Thanh (Quảng Nam), Điều Huỳnh Sang (Bình Phước), đều cho rằng, quyền được khai sinh là quyền của trẻ em, con người và được Nhà nước bảo vệ và phù hợp với các công ước quốc tế Việt Nam đã tham gia. Việc đăng ký và cấp giấy khai sinh là việc Nhà nước chính thức thừa nhận việc ra đời của một con người thông qua những thông tin cơ bản của trẻ em được ghi trên đó. Giấy khai sinh cũng có giá trị pháp lý làm căn cứ cho việc cấp các loại giấy tờ khác trong quản lý nhà nước. Hơn nữa, việc cấp giấy khai sinh đã và đang được thực hiện thống nhất, ổn định từ nhiều năm nay, cơ bản không có vướng mắc.

Theo các ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang), Điều Huỳnh Sang, với việc cấp giấy khai sinh thì việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi là không cần thiết, gây tốn kém như quy định tại dự án Luật Căn cước công dân. Lập luận cho quan điểm này, ĐB Điều Huỳnh Sang, cho rằng, trẻ em dưới 14 tuổi có sự thay đổi nhanh chóng về thể chất, nhân dạng và thẻ căn cước cũng không có giá trị trong các giao dịch. Trong khi, nếu cấp thẻ căn cước cho lứa tuổi dưới 14 thì sẽ phải cấp cho khoảng 21 triệu trẻ em trong khi lại chỉ có tác dụng… cất giữ là không hợp lý, gây tốn kém.

Trước đó, các ĐB đã nghe tờ trình và dự án Luật ban hành văn bản pháp luật. Theo dự luật, chỉ thị của UBND các cấp không phải là văn bản pháp luật; không quy định về văn bản liên tịch để phù hợp với nguyên tắc phân công rành mạch nhiệm vụ giữa các cơ quan nhà nước; không quy định thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước… Bên cạnh đó, dự luật cũng quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, ĐB Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh trong việc phối hợp chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Dự thảo luật cũng quy định cơ quan, người có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm về việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết hoặc ban hành văn bản pháp luật trái Hiến pháp và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên.

Thẩm tra về dự án luật, theo ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết, trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức hữu quan phải có trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia góp ý kiến về dự thảo văn bản, đồng thời tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. Do vậy, cơ quan này luật tán thành với quy định thể hiện vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và giám sát, phản biện xã hội.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất và tính khả thi cần hết sức cân nhắc quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì tổ chức lấy ý kiến đối với tất cả các dự thảo văn bản pháp luật; việc này sẽ gây khó khăn cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tổ chức thực hiện. Mặt khác, việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào các dự án luật là khác nhau, phụ thuộc vào phạm vi, đối tượng điều chỉnh của các dự án khác nhau.

Cũng theo cơ quan thẩm tra, nhiều ý kiến của thành viên Ủy ban pháp luật tán thành với việc không quy định thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật của chính quyền cấp huyện, cấp xã, vì thực tế những năm gần đây nhu cầu ban hành văn bản pháp luật của chính quyền cấp huyện, cấp xã là không lớn, nếu có thì chủ yếu là sao chép lại văn bản của cơ quan cấp trên.

UBTV: Cấp thẻ CCCD ngay khi sinh ra

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước công dân (CCCD) do Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày cho thấy, về thẻ CCCD, có ý kiến đề nghị sử dụng tên gọi Chứng minh nhân dân, Thẻ công dân, Thẻ căn cước... UBTV thấy rằng, tên gọi thẻ CCCD như dự thảo Luật phù hợp với bản chất, nội hàm, giá trị sử dụng của thẻ CCCD là cấp cho công dân Việt Nam từ khi công dân sinh ra cho đến khi chết, khác với việc cấp chứng minh nhân dân hiện nay chỉ cấp cho công dân từ 15 tuổi trở lên. Hiện nay, đa số các nước trên thế giới sử dụng tên gọi CCND. Quy định về thẻ CCCD gắn với số định danh cá nhân được in trên thẻ và có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa như dự thảo Luật cũng phù hợp với mục tiêu tiến tới sử dụng thẻ công dân điện tử và xây dựng Chính phủ điện tử. Do đó, UBTV đề nghị cho giữ tên gọi thẻ CCCD.

Về nội dung thể hiện trên thẻ CCCD, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTV đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý quy định về thông tin trên thẻ căn cước đối với người dưới 14 tuổi theo hướng bao gồm các thông tin như giấy khai sinh để thực hiện quyền giao dịch của người dân mà không cần phải xuất trình giấy khai sinh.

Về tuổi được cấp thẻ CCCD, vẫn còn 2 ý kiến: tán thành với quy định của dự thảo Luật về việc cấp thẻ CCCD ngay từ khi sinh ra và không cần cấp giấy khai sinh; đề nghị quy định cấp thẻ CCCD cho công dân từ đủ 14 tuổi trở lên để bảo đảm ổn định các thông tin nhân dạng của công dân, người chưa đủ 14 tuổi thì cấp giấy khai sinh như hiện nay và quy định trong Luật hộ tịch. UBTV thấy rằng, việc cấp thẻ CCCD cho người chưa đủ 14 tuổi để bảo đảm quyền bình đẳng của công dân theo Hiến pháp năm 2013, không có sự phân biệt công dân theo độ tuổi; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong giao dịch, giảm thủ tục hành chính, góp phần hiện đại hóa nền hành chính quốc gia, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước.

Hiện có 27 thủ tục hành chính yêu cầu mang bản chính Giấy khai sinh, 32 thủ tục hành chính yêu cầu nộp bản sao Giấy khai sinh, 11 thủ tục hành chính yêu cầu nộp bản sao chứng thực Giấy khai sinh. Vì vậy, theo UBTV, quy định cấp thẻ CCCD từ khi công dân sinh ra để thay thế cho việc sử dụng giấy khai sinh góp phần giảm các thủ tục hành chính yêu cầu công dân phải mang Giấy khai sinh hoặc nộp bản sao Giấy khai sinh. Việc cấp thẻ CCCD cho người chưa đủ 14 tuổi chỉ là hình thức hiện đại hóa giấy tờ khai sinh mà không làm mất quyền được khai sinh của trẻ em. Theo đó, UBTV đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa là giao Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện nơi làm thủ tục đăng ký khai sinh sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký khai sinh có trách nhiệm cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định số định danh cá nhân và thực hiện quy trình cấp thẻ CCCD theo quy định.

Về thời hạn của thẻ CCCD, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTV đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng chỉ quy định độ tuổi phải đổi thẻ CCCD mà không quy định thời hạn theo năm sử dụng thẻ. Theo đó quy định công dân từ 60 tuổi trở lên không phải đổi thẻ CCCD.

Về các trường hợp đổi, cấp lại thẻ CCCD, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTV đã chỉnh lý nội dung này theo hướng công dân chỉ phải làm thủ tục đổi thẻ CCCD khi thay đổi nơi thường trú cấp tỉnh để khắc phục việc công dân phải đổi thẻ nhiều lần, giảm phiền hà cho công dân. Về nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD, dự thảo luật quy định 4 cấp tiếp nhận để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, theo đó công dân có thể lựa chọn nơi làm thủ tục thuận tiện nhất mà không phải về nơi thường trú của mình để làm thủ tục.  

Về hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp, trong dự thảo Luật Chính phủ trình quy định chậm nhất đến ngày 1/1/2020 thực hiện thống nhất theo quy định của Luật này để bảo đảm có thời gian xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật. Căn cứ khả năng, tình hình thực tiễn, Chính phủ sẽ quyết định lộ trình thực hiện và triển khai thống nhất trên toàn quốc khi bảo đảm tính khả thi. Hiệu lực thi hành của Luật này thống nhất với Luật Hộ tịch là từ ngày 1/1/2016.

Chưa thống nhất về tuổi cấp thẻ CCCD

Dù đây đã là lần thứ 2 Quốc hội cho ý kiến về dự án luật này nhưng phiên thảo luận chiều nay, vẫn còn quá nhiều ý kiến khác nhau về nội dung giải trình của UBTV. ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) thẳng thắn, nếu thực sự phù hợp thì luật này chỉ là một chương trong Luật Hộ tịch. Về tên gọi, ĐB Việt đề nghị là luật chứng minh nhân dân, và thẻ cũng là thẻ chứng minh nhân dân. “Vì từ khi sử dụng tên này, chưa người dân nào, cơ quan nào phàn nàn. “Tên gọi này có từ thời Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hiến pháp sửa đổi cũng viết hoa 2 chữ Nhân Dân để thể hiện sự trân trọng. Vì vậy, nên giữ tên gọi CMND. Đó là chưa kể, người dân ở phía Nam không muốn sử dụng tên gọi thẻ căn cước vì  tính lịch sử (để chỉ những trường hợp phải đổi thẻ căn cước nhiều lần nhằm trốn lính) - ĐB Việt phân tích.

Vì vậy, ĐB Việt đề nghị vẫn cấp giấy khai sinh (Luật Hộ tịch), cấp giấy CMND (Luật Căn cước công dân). Ngoài ra, thông tin của công dân nên bổ sung ngày sinh và tên gọi khác (rất cần với ngành công an). Cần có văn bản giải thích ngọn ngành từ nguyên quán.

ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) đồng tình không nên gọi là thẻ CCCD mà vẫn dùng tên cũ là chứng minh nhân dân để tránh xáo trộn, gây tốn kém.

Vấn đề cấp thẻ CCCD ở độ tuổi nào là vấn đề nhiều ĐB tranh luận. ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) đồng tình với ý kiến  cấp ngay từ khi mới sinh ra. Đặc biệt, ĐB Thúy cho rằng, không cần cấp giấy khai sinh, vì điều đó không xâm phạm quyền khai sinh của trẻ em (thay vì cấp giấy khai sinh thì thể hiện trong thẻ CCCD). ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) lập luận,  đặt mục tiêu thẻ CCCD thay thế các loại giấy tờ khác là phù hợp với xu hướng chung của thế giới. ĐB Minh đồng tình cấp thẻ CCCD cho người ngay khi sinh ra và đến 14 tuổi thì đổi thẻ. Cùng với đó, việc cấp giấy khai sinh cho trẻ phải đồng bộ với cấp thẻ CCCD.

Trái với ý kiến đó, ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định), đồng tình với  với ý kiến một số ĐB chỉ cấp thẻ CCCD cho trẻ khi đủ 14 tuổi, trước 14 tuổi chỉ cấp giấy khai sinh. ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) phân tích, có cần bỏ ra 650 triệu để cấp thẻ CCCD cho trẻ dưới 14 tuổi hay không, vì đối tượng này còn nhỏ, giao dịch chủ yếu vẫn do bố mẹ làm. “Vì vậy, đề nghị chỉ nên cấp thẻ CCCD cho người từ 14 tuổi trở lên, cùng với đó  khi sinh ra, cấp giấy khai sinh, lưu thông tin để  đến 14 tuổi thì cấp thẻ CCCD”, ĐB Kim Chi nói.

ĐB Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) cho rằng, cấp thẻ CCCD thời điểm nào là vấn đề lớn của cả luật hộ tịch và luật CCCD. Cho rằng chưa nên cấp thẻ CCCD cho trẻ dưới 14 tuổi vì mọi thông tin nhận dạng chưa đầy đủ, thông tin lại trùng với giấy khai sinh, ĐB Tùng khẳng định cấp thẻ CCCD cho người dưới 14 tuổi với hàng chục triệu người là lãng phí, không cần thiết. ĐB Tùng đề nghị giữ nguyên việc cấp giấy khai sinh, đến 14 tuổi mới cấp thẻ CCCD.

Nguồn SGGP