Quốc hội hoàn tất việc bỏ phiếu tín nhiệm 50 lãnh đạo cấp cao

Chính trị - Ngày đăng : 14:29, 15/11/2014

Sáng nay 15/11, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở đoàn về việc lấy phiếu tín nhiệm, sau đó hoàn tất việc bầu ban kiểm phiếu và tiến hành bỏ phiếu.

Theo ông Huỳnh Văn Tý, Trưởng Ban kiểm phiếu, có 11 loại đánh giá tín nhiệm cho 50 chức danh được phát đến các đại biểu. Trên từng phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ và ba mức độ tín nhiệm bao gồm “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”.

Các đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm 50 lãnh đạo cấp cao. Ảnh: Lã Anh

Việc lấy phiếu tín nhiệm kết thúc lúc 9 giờ.

Chiều nay, kết quả kiểm phiếu sẽ được công bố công khai và Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm. 

Một ứng viên không nên “gánh” nhiều cơ cấu

Cũng sáng nay, sau khi tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm, QH đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bầu cử ĐBQH và HĐND.

Các ý kiến tại phiên họp bày tỏ quan tâm đến thiết chế hoàn toàn mới là Hội đồng Bầu cử quốc gia (HĐBCQG); chất lượng, hiệu quả hoạt động của ĐBQH, ĐBHĐND…

ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nhận xét, HĐBCQG với tư cách chế định mới so với HĐ Bầu cử hiện hành chưa có nhiều khác biệt. “Điểm mới rõ nhất có lẽ chỉ là do QH thành lập, quy định về bộ máy giúp việc và hoạt động được giao cho TVQH quy định. Còn hàng loạt câu hỏi liên quan đến HĐ cần phải giải đáp: không biết có hoạt động thường xuyên không, như thế này có thể hiểu là từ người đứng đầu đến thành viên đều kiêm nhiệm, không thấy có dấu hiệu nào là cơ quan chuyên trách. HĐ được thành lập vào thời điểm nào? Đầu nhiệm kỳ QH mới hay cuối nhiêm kỳ cũ để tổ chức bầu cử khóa mới”…

Nhấn mạnh yêu cầu xử lý tốt quan hệ giữa cơ cấu và chất lượng,  ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) phát biểu: Hiện vẫn có tình trạng một ĐB “gánh” quá nhiều cơ cấu, không thể đầu tư đúng mức thời gian, trí tuệ cho công việc. Để QH, HĐND hoạt động chất lượng, 1 ứng cử viên không nên “gánh” quá 2 cơ cấu”. Về thời gian bầu cử, ĐB đồng ý quy định kết thúc bầu cử đồng loạt vào lúc 19h; không sớm hơn, để tránh việc chạy theo thành tích nên thúc đẩy bỏ phiếu sớm, chấp nhận bầu hộ, bầu thay...

Trăn trở về tỷ lệ ĐBQH là người dân tộc còn thấp và có xu hướng giảm, ĐB Danh Út (Kiên Giang) nói: ĐB là người dân tộc thiểu số khóa XIII chỉ đạt 15,6%, giảm 2,05% so khóa 12 và cả 13 khóa QH vẫn còn 15 dân tộc chưa có đại diện tham gia QH. ĐB đề nghị Luật quy định về tỷ lệ ĐB hợp lý tương ứng với dân số của các dân tộc thiểu số. Tán thành quan điểm này, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) chi tiết hơn: Nếu chỉ căn cứ vào dân số để tính số ĐBQH phân bổ cho các dân tộc, thì cũng chưa triệt để, vì có dân tộc rất ít người. Nên tiến tới quy định mỗi dân tộc đều có ĐB dân tộc mình trong QH, HĐND”.

Đáng lưu ý, theo ĐB Đỗ Mạnh Hùng, Luật chưa đề cập đúng mức đến một chủ thể rất quan trọng, nếu không muốn nói là nhân tố chính quyết định thành công của cuộc bầu cử; đó là cử tri. ĐB đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, thiết kế lại Chương “Danh sách cử tri” theo hướng mở rộng, bao quát cả quyền và trách nhiệm của cử tri; đồng thời tập hợp hết các quy định rải rác ở các chương khác về cử tri về chương này.

Trong khi đó, ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) lưu ý, cần quy định một tỷ lệ thích đáng ĐB tái cử để đảm bảo tính kế thừa và kinh nghiệm hoạt động. ĐB đề nghị: Nếu được thì nên đưa vào một tỷ lệ hợp lý ĐB là cán bộ quản lý ở các cơ quan nhà nước và tư pháp để khỏi ảnh hưởng thời gian hoạt động của QH. Đây cũng là quan điểm của ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) và một số ĐB khác.

Nguồn SGGP