Phiên họp thứ 23 Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương

Chính trị - Ngày đăng : 15:59, 13/10/2015

Ngày 13/10, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương họp phiên thứ 23 dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo, để thảo luận, cho ý kiến về Đề án phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp. Ảnh: VGP Toàn Thắng

Đề án này do Đảng ủy Công an Trung ương và Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp trình.

Trình bày Đề án “Tăng cường công tác phòng chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp của lực lượng công an nhân dân”, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, tiêu cực trong hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp ở lực lượng công an nhân dân (CAND) xảy ra ở nhiều địa phương, có vụ việc tính chất nghiêm trọng, có vụ việc mang tính hệ thống, có vụ việc xảy ra trong thời gian dài, có vụ việc nhiều cán bộ, chiến sĩ sai phạm.

Một trong các nguyên nhân là những kẽ hở trong hệ thống pháp luật và các quy định của Bộ Công an tạo điều kiện cho cán bộ lợi dụng thực hiện hành vi tiêu cực, tham nhũng. Áp lực công việc dẫn đến tình trạng thờ ơ, thậm chí vô cảm, bỏ lọt tội phạm nhằm vụ lợi. Nhiều quy định chưa rõ ràng, thiếu hướng dẫn cụ thể dẫn đến tình trạng dễ nảy sinh tiêu cực.

Cùng với đó, một số cán bộ suy thoái, thực dụng, chủ động thực hiện hành vi tiêu cực, tham nhũng là nguyên nhân chính của tình hình tiêu cực trong hoạt động tư pháp thời gian qua. Lãnh đạo, chỉ huy thiếu tinh thần trách nhiệm, vì tư tưởng thành tích nên có trường hợp sai phạm nghiêm trọng, kéo dài, nhưng không được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh.

Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương cho rằng Đề án của Đảng ủy Công an Trung ương đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có sự kết hợp giữa nghiên cứu lý luận, quán triệt các chủ trương đường lối của Đảng, quy định của pháp luật về phòng chống tiêu cực với việc tổng kết công tác phòng chống tiêu cực tại các đơn vị trực thuộc.

Nhằm triệt để phòng, chống tiêu cực trong hoạt động của lực lượng CAND, Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương nhấn mạnh, cần lưu ý đến việc móc ngoặc giữa điều tra viên với kiểm sát viên, thẩm phán, luật sư, người thân của bị can, bị cáo trong quá trình tố tụng và các biểu hiện tiêu cực của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan điều tra, đơn vị có liên quan trong CAND.

Cùng với các giải pháp hoàn thiện thể chế, kiện toàn tổ chức, xây dựng và hoàn thiện tiêu chuẩn cán bộ, đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động, ông Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSNDTC cho rằng, giải pháp mang tính đột phá để phòng ngừa, đấu tranh chống tiêu cực là tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh cá nhân có vi phạm; hình thành cơ chế, tạo điều kiện để các đơn vị, tổ chức, cá nhân giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp của lực lượng CAND.

Theo Đề án, nhìn chung, thực trạng tiêu cực trong hoạt động tư pháp do Bộ Tư pháp quản lý là không nhiều nhưng diễn biến khá phức tạp. Thời gian gần đây, các hiện tượng tiêu cực đa phần tập trung vào một số lĩnh vực có liên quan trực tiếp tới người dân và doanh nghiệp.

Thực trạng này là do các hành vi tiêu cực trong các lĩnh vực do Bộ Tư pháp quản lý đa dạng, phức tạp, không dễ nhận biết, từ nguy cơ nội tại phát sinh tiêu cực và tác động của quá trình xã hội hóa các dịch vụ công do Bộ Tư pháp quản lý.

Tuy công tác phòng, chống tiêu cực đã được Bộ Tư pháp thực hiện đồng bộ trên nhiều phương diện, giải pháp, song tiêu cực chưa có dấu hiệu chững lại, ngược lại còn có dấu hiệu tiếp tục tăng lên ở một số lĩnh vực hoạt động như thi hành án dân sự, công chứng.

“Với tác động của sự phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới, nguy cơ phát sinh tiêu cực trong lĩnh vực thi hành án dân sự là rất lớn, diễn biến phức tạp. Nếu chỉ áp dụng các biện pháp hiện nay thì hiệu quả sẽ không cao, tiêu cực dễ phát sinh nên cần có các biện pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa để phòng, chống”-Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhận định.

Xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của toàn ngành, lấy phòng ngừa là chính, xử lý kiên quyết, công minh, đúng pháp luật với các trường hợp tiêu cực, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đưa ra 17 nhóm nhiệm vụ, giải pháp như giám sát, phát hiện, xử lý tiêu cực.

Đồng tình với các giải pháp phòng, chống tiêu cực do Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đưa ra, Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đề nghị xác định giải pháp ưu tiêu, mang tính đột phá cho phù hợp với tình hình mới, cụ thể hơn các giải pháp phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương trong công tác phòng, chống tiêu cực ở các lĩnh vực hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp do Bộ Tư pháp quản lý.

Ngoài ra, Thường trực Ban Chỉ đạo cũng đánh giá Đề án có tính ứng dụng cao nên cần cụ thể hóa các giải pháp thành các quy chế, quy định để mỗi cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện. Quy định chặt chẽ, nghiêm minh trong xử lý các hành vi tiêu cực xảy ra trong hoạt động tư pháp, có cơ chế khuyến khích, khen thưởng và bảo vệ những cá nhân, tổ chức phát hiện, ngăn ngừa tiêu cực trong hoạt động tư pháp.

Kết luận phiên hop Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chỉ rõ, tiêu cực trong hoạt động tư pháp dù mức độ không đáng kể vẫn có ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến quá trình xây dựng nền tư pháp công minh, liêm chính, vững  mạnh, vì con người.

Vì vậy, các đề án cần được nghiên cứu kỹ, phản ánh đầy đủ thực trạng, giải pháp phải đáp ứng được tính đồng bộ, đột phá và đảm bảo tính đặc thù cho những lĩnh vực “thường xuyên xảy  ra tiêu cực”.

Đồng thời, cần chú trọng đến quá trình tổ chức thực hiện để các đề án phát huy tác dụng trong thực tế, góp phần tích cực cho việc phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp.

Các đề án phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp được các bộ, ngành và tổ chức trình sẽ được Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tổng hợp báo cáo trình Bộ Chính trị cho ý kiến.

Nguồn Chinhphu.vn