Dấu ấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Hồ Chí Minh
Chính trị - Ngày đăng : 14:33, 29/04/2016
Năm 1959, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thành lập đoàn 559 mở đường mòn dọc dãy Trường Sơn để tiếp ứng phong trào cách mạng miền Nam. Tuyến đường mòn chiến lược Hồ Chí Minh đã trở thành “huyết mạch” cực kỳ quan trọng cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam. Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 được xem là chiến dịch lớn nhất, quan trọng nhất đối với cuộc đời binh nghiệp của ông cũng như đối với công cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ giải phóng miền Nam của đất nước.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Quân ủy Trung ương theo dõi, chỉ đạo chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn (4/1975) |
Sau Hiệp định Paris, Mỹ rút quân về nước, tình hình chiến trường miền Nam đã có những diễn biến có lợi cho công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề xuất và ra quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn-Gia Định.
Bước vào mùa xuân năm 1975, thấm nhuần tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị giải phóng miền Nam, trước hết là giải phóng Tây Nguyên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có sự chỉ đạo chiến lược hết sức sắc bén. Bằng cách giăng địch ra hai đầu Nam - Bắc chiến tuyến và kìm địch ở Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn, Quân đoàn 2 kìm giữ địch ở Huế - Đà Nẵng, Quân đoàn 4 đứng chân ở Đồng Nai - Bắc Sài Gòn, kìm giữ địch ở Sài Gòn và để địch sơ hở Tây Nguyên.
Khi giữ chặt được sư đoàn dù và sư đoàn thủy quân lục chiến Quân đội Sài Gòn ở hai đầu Nam - Bắc, đó là thời cơ để tiến công địch ở Tây Nguyên. Điều hay hơn nữa, để phá vỡ Tây Nguyên nhanh chóng, chuyển hóa cả thế và lực, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định tăng thêm lực lượng cho Tây Nguyên 2 sư đoàn. Như vậy, từ chỗ chỉ có 2 sư đoàn, đến mùa Xuân 1975, Tây Nguyên đã có tới 4 sư đoàn, trở thành quả đấm chủ lực đánh mạnh vào đối phương.
Chiến dịch Tây Nguyên mở màn với trận then chốt quyết định ở Buôn Ma Thuột thắng lợi, qua đó thực hiện xuất sắc nhiệm vụ mà Bộ Chính trị và Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao cho. Tiếp đến, Quân đội nhân dân Việt Nam đánh bại sự phản kích của địch, tiêu diệt Sư đoàn 23 dẫn đến sự bùng nổ về chiến thuật và tạo ra phản ứng dây chuyền, làm cho địch ở Pleiku và Kon Tum chưa bị đánh đã tháo chạy. Phản ứng dây chuyền cũng tạo ra sự đột biến về chiến dịch. Lực lượng địch ở Tây Nguyên bị phá vỡ, tạo ra một cục diện chiến tranh mới, đẩy chúng vào thế hỗn loạn về chiến lược và suy sụp nhanh chóng về tinh thần.
Ngay khi chuẩn bị giải phóng Tây Nguyên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tính toán đến khả năng: Nếu địch bị thua đau ở Tây Nguyên, chúng có thể sẽ rút chạy về co cụm ở đồng bằng. Thực tế lịch sử diễn ra đúng như vậy. Nắm bắt thời cơ đó, chúng ta đã chủ động mở tiếp chiến dịch Huế, chiến dịch Đà Nẵng và cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với thế đánh địch “như chẻ tre”.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy các mũi tiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam bằng mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam; thống nhất đất nước!”. Mệnh lệnh của Đại tướng vừa là tiếng kèn xung trận vừa là kết tinh của một tư duy quân sự thiên tài, qua đó góp phần quan trọng vào ngày toàn thắng 30/4/1975.