Đề án xây dựng và triển khai thực hiện các mục tiêu của cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN đến năm 2025: Một số nét cơ bản

Chính trị - Ngày đăng : 10:55, 14/06/2016

Ngày 31/12/2015, Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập. Hướng tới một Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, các kế hoạch tổng thể về chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa xã hội đã được xây dựng.

Nội dung chính của Kế hoạch tổng thể công đồng văn hóa xã hội ASEAN (Cộng đồng VHXH) 2025 đã khẳng định những tiến bộ kinh tế - xã hội của ASEAN trong 25 năm qua được thể hiện qua quá trình phát triển mạnh mẽ về nhân lực và phát triển bền vững. Trọng tâm của Cộng đồng VHXH là cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Là hiện thực hóa phát triển toàn diện con người.

Trong phần này đã nêu ra một vài con số cụ thể của những nỗ lực trong thời gian qua như tỷ lệ người dân có mức sống dưới 1,25 USD/ngày đã giảm xuống từ 45% năm 1990 xuống 17% vào năm 2008, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi học tiểu học tăng từ 92% năm 1999 lên 94% vào năm 2012; tỷ lệ dân số đô thị sống trong các khu phố ổ chuột đã giảm từ 40% năm 2000 xuống 31% năm 2012. Tình trạng nghèo cùng cực của một số nước thành viên đã giảm đáng kể, số lượng người trong tầng lớp trung lưu ngày càng tăng…

Văn nghệ chào mừng tại Hội nghị tổng kết chương trình hợp tác giữa thanh niên hai tỉnh Đắk Nông (Việt Nam) - Mondulkiri (Campuchia) giai đoạn 2012 – 2016. Ảnh: Đức Hùng

Vào thời điểm này, Công đồng ASEAN nhận thức rõ những thách thức và cơ hội trong khu vực và toàn cầu. Tầm nhìn Cộng đồng VHXH ASEAN 2025 hướng đến một Cộng đồng ASEAN gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân và hòa nhập, bền vững, tự lực, tự cường và năng động. Tầm nhìn hướng tới mục tiêu hiện thực hóa: Một cộng đồng mang tính cam kết, có sự tham gia và có trách nhiệm xã hội, thông qua cơ chế có trách nhiệm giải trình và hòa nhập vì lợi ích của tất cả các dân tộc ASEAN, được nâng lên một tầm cao mới thông qua các nguyên tắc quản trị tốt.

Một cộng đồng hòa nhập, thúc đẩy cuộc sống có chất lượng cao, mọi người được tiếp cận bình đẳng với các cơ hội, bảo vệ quyền con người, quyền của phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, lao động di cư, các nhóm dễ bị tổn thương và thiệt thòi. Một cộng đồng bền vững, thúc đẩy phát triển xã hội, bảo vệ môi trường thông qua các cơ chế hiệu quả để đáp ứng các nhu cầu hiện tại và tương lai của người dân.

Một cộng đồng tự lực tự cường, thúc đẩy năng lực và khả năng nhằm thích nghi và ứng phó với những tổn thương về kinh tế và xã hội, thiên tai, biến đổi khí hậu cũng như các mối đe dọa và thách thức mới nổi. Một cộng đồng năng động và hài hòa với nhận thức và niềm tự hào về bản sắc, văn hóa, di sản, tăng cường năng lực nhằm đổi mới và chủ động đóng góp cho toàn cầu.

Trên cơ sở kế hoạch, mỗi quốc gia đã và đang xây dựng các đề án để triển khai một cách thiết thực.

Bản Đề án của Việt Nam (được ban hành theo Quyết định 161/QĐ-TTg ngày 25/ 1/2016 của Thủ tướng Chính phủ) ngắn gọn, súc tích, thể hiện quyết tâm cao, tích cực và chủ động của Việt Nam trong việc thực hiện Kế hoạch chung của Cộng đồng ASEAN.

Về quan điểm, quán triệt đầy đủ các nội dung Kế hoạch chung của Cộng đồng, triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13/5/2014 của Chính phủ về hội nhập quốc tế, phát huy vai trò của Việt Nam trong ASEAN và các cơ chế, diễn đàn do ASEAN giữ vai trò trung tâm nhằm tăng cường đoàn kết, gia tăng liên kết nội khối, củng cố quan hệ hợp tác với các bên đối thoại của ASEAN, thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực. Thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa các hình thức hợp tác với các quốc gia thành viên; tranh thủ tối đa các cơ hội và nguồn lực để hội nhập và phát triển.

Mục tiêu, thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả ở cấp quốc gia các mục tiêu của Cộng đồng VHXH đến năm 2025 nhằm đạt mục tiêu khu vực về xây dựng một cộng đồng ASEAN hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội. Đến cuối năm 2016, các bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Kế hoạch hành động và triển khai nội dung của Đề án.

Về nội dung hoạt động, triển khai đầy đủ 5 nội dung: Các hoạt động xây dựng cộng đồng gắn kết mang lại lợi ích cho người dân; Các hoạt động xây dựng cộng đồng hòa nhập, giảm dần các rào cản, bất bình đẳng trong các lĩnh vực đời sống, đẩy mạnh việc tiếp cận bình đẳng với an sinh xã hội cho tất cả mọi người; Các hoạt động xây dựng cộng đồng bền vững trong các lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên, môi trường, sản xuất và tiêu thụ thân thiện với môi trường, khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu; Các hoạt động xây dựng cộng đồng tự lực tự cường của các cơ quan, tổ chức, địa phương và của người dân; Các hoạt động xây dựng cộng đồng năng động trong mọi lĩnh vực.

Đề án cũng đã nêu các giải pháp thực hiện, tổ chức thực hiện. Theo đó, các bộ, ngành liên quan, các tổ chức trong hệ thống chính trị, các tổ chức khoa học, các tỉnh, thành triển khai đồng bộ việc thực hiện Đề án này.

Cùng với Kế hoạch Tổng thể của Cộng đồng Văn hóa xã hội ASEAN 2025, bản Đề án của Việt Nam là chương trình hành động cụ thể của Việt Nam thể hiện đầy đủ là một thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong cộng đồng. Việc nghiên cứu và triển khai thực hiện Đề án không chỉ có ý nghĩa nâng cao nhận thức mà có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc khi mà Đề án đã nêu rõ mục tiêu là về xây dựng một cộng đồng ASEAN hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội.

Từ Minh Khánh