Đồng bào vui đón Tết độc lập

Chính trị - Ngày đăng : 10:57, 01/09/2016

Vào các bản làng người Mông ở xã Đắk R’măng (Đắk Glong) vào những ngày cuối tháng 8, thấy không khí khác hẳn mọi ngày, nhà nhà, người người đều vui mừng, chuẩn bị chào đón Quốc khánh 2/9-Tết độc lập.

Múa khèn trong ngày Tết độc lập của người Mông. Ảnh: A Trư

Theo những người già nơi đây thì đã từ lâu, kể từ ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945), người Mông đã rất trân trọng và coi đó như là ngày tết của dân tộc mình. Vì vậy, cho dù đi đâu, làm gì, cứ đến ngày Quốc khánh 2/9 là đồng bào lại tập trung về hội trường bản hoặc chợ phiên để cùng nhau vui chơi đón tết.

Đây là dịp để bà con tỏ lòng biết ơn Đảng, Bác Hồ đã đem lại độc lập, tự do cho đồng bào cả nước nói chung và người Mông nói riêng. Đồng thời cũng là dịp để bà con gặp gỡ, vui chơi, mua sắm và tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao.

Anh Giàng A Nhà ở thôn 7 cho biết: Trong một năm, với người Mông chúng tôi có 2 cái tết. Cái tết 2/9 còn to hơn vì đó là ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam mình. Vì vậy, năm nào gia đình tôi cũng chuẩn bị mọi thứ để chào đón ngày độc lập dân tộc. Đây là dịp để người Mông cảm ơn Đảng, Bác Hồ và Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi, giúp đỡ đồng bào trong những năm kháng chiến và trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay.

Chị em người Mông cũng chăm chỉ may cho các thành viên trong gia đình những bộ váy áo truyền thống đẹp nhất để mặc vào đúng ngày Tết độc lập.

Chị Sùng Thị Vái ở thôn 6 nói: “Tôi đã chuẩn bị từ lâu để chồng con có áo mới đi chợ phiên chơi Tết độc lập”. Còn đối với các chàng trai, cô gái Mông thì ngày Tết độc lập chính là dịp để họ tìm hiểu, hò hẹn và trao cho nhau những lời yêu thương. Bởi thế mà cách vài ba ngày trước đó, những thanh niên người Mông thường chuẩn bị chu đáo mọi thứ để xuống chợ tìm người yêu".

Anh Vàng A Tủa ở thôn 6 đang tân trang lại chiếc xe máy vui vẻ nói: “Mỗi khi lên nương rẫy thì chúng tôi chủ yếu đi xe máy nên xe nhanh hỏng, xuống cấp. Ngày Tết độc lập sắp đến, nên tôi phải tu sửa chiếc xe lại cho an toàn, sạch sẽ để còn tìm người yêu nữa đó”.

Không riêng gì đồng bào Mông, mà đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh cũng hồ hởi, chuẩn bị chờ đón ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước.

Đồng bào Mông ở xã Đắk R’măng đi chợ chuẩn bị đón Tết độc lập. Ảnh: M.H

Theo ông Nông Văn Thắng (dân tộc Thái) ở thôn Đắk Rồ, xã Tân Thành (Krông Nô) thì ngày Tết độc lập từ lâu đã trở thành một ngày lễ, ngày tết quan trọng, một nét văn hóa độc đáo của đồng bào. Vào ngày 2/9, bà con thường sửa soạn mâm cơm dâng cúng tổ tiên. Cùng với các món ăn chính được chế biến từ gà, vịt, heo, thì bánh chưng dài và bánh rợm cũng hết sức quan trọng, không những được dùng trong gia đình mà còn dùng để tiếp đãi và làm quà cho khách khi đến chơi nhà. Những ngày gần tết, nhà nào nhà nấy bảo nhau quét dọn, sửa sang ngay ngắn, sạch đẹp…

Ông Thắng cho biết: Trước kia, cuộc sống bà con trong thôn khó khăn lắm, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Nhưng nay khác rồi, trong thôn hầu như nhà nào cũng có xe máy, có ti vi, điện thoại, trẻ em đã được đến trường. Có được như hôm nay là nhờ ơn Đảng, Bác Hồ nhiều lắm. Từ ngày đất nước độc lập đến nay, năm nào bà con chúng tôi cũng ăn Tết độc lập cả.

Có thể thấy, chỉ bằng những việc làm đơn sơ, giản dị, nhưng việc đồng bào các dân tộc hân hoan, vui đón Tết độc lập mang một ý nghĩa lớn, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước hết sức thiêng liêng. Qua đó, không những góp phần bảo tồn những nét đẹp văn hóa đặc sắc mà còn là cách để khuyên bảo con cháu luôn nhớ về ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước, phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam.

Mỹ Hằng