Đồng chí Lê Duẩn - nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam
Chính trị - Ngày đăng : 09:32, 07/04/2017
Đồng chí đã tham gia hoạt động ở cả 3 niềm: Trung, Nam, Bắc, từng trải qua mọi thử thách, gian nan, luôn gần gũi với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân lao động. Từ cuối những năm 30 cho đến khi qua đời, đồng chí đã trải qua nhiều cương vị lãnh đạo quan trọng của Đảng, đặc biệt từ năm 1960 đến năm 1986, trên cương vị là Bí Thư thứ nhất, rồi Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương (BCHTW) Đảng, đồng chí đã có những đóng góp to lớn vào sự lãnh đạo của Đảng, đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Đồng chí Lê Duẩn (thứ 3 bên trái) đến thăm Xí nghiệp Dệt len Sài Gòn năm 1980. Ảnh tư liệu |
Năm 1939, khi được giao trọng trách Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã cùng với đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư của Đảng, chủ trì Hội nghị lần thứ sáu BCHTW Đảng (tháng 11/1939). Hội nghị đã mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam; từ đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ, chuyển sang đấu tranh trực tiếp đánh đổ chính quyền đế quốc, thực dân và phong kiến tay sai, chuẩn bị những điều kiện cần thiết tiến tới giành chính quyền về tay nhân dân.
Nghị quyết Hội nghị đã khẳng định những tư tưởng chiến lược của cách mạng Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định từ Hội nghị thành lập Đảng năm 1930. Đây là bước mở đầu của một cao trào cách mạng mới, tiến tới thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, trên cương vị Phó Bí thư, rồi Bí Thư xứ ủy Nam bộ và từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (1951) là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương cục miền Nam, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó, đó là: Trực tiến lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam bộ.
Đồng chí Lê Duẩn đã vận dụng sáng tạo đường lối, phương châm kháng chiến do Trung ương Đảng đề ra, cùng với Xứ ủy Nam bộ, Trung ương Cục miền Nam giải quyết một loạt vấn đề quan trọng: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, thống nhất các lực lượng vũ trang, chia ruộng đất cho dân nghèo, củng cố liên minh công nông, phát huy sức mạnh to lớn của Mặt trận thống nhất, động viên mọi tầng lớp nhân dân đứng lên chống giặc cứu nước. Quân và dân Nam bộ đã anh dũng kháng chiến làm thất bại hoàn toàn âm mưu của địch đánh chiếm Nam bộ, Đảng ta đã rút ra được những kinh nghiệm quý báu cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên cương vị Bí thư thứ nhất BCHTW Đảng ở vào thời điểm lịch sử đầy cam go và nặng nề, cùng một lúc phải thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, đương đầu với một đế quốc có tiềm lực quân sự với bộ máy chiến tranh khổng lồ, đồng chí Lê Duẩn là người chịu trách nhiệm chủ yếu trước Đảng về phong trào cách mạng ở miền Nam. Đồng chí đã cùng với Bộ Chính trị và BCHTW Đảng hoạch định, phát triển và từng bước hoàn chỉnh đường lối chiến lược, phương pháp cách mạng và phương pháp tiến hành chiến tranh cách mạng.
Bằng kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm bám sát cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam, đồng chí đã soạn thảo văn kiện nổi tiếng “Đề cương cách mạng miền Nam”, góp phần hướng dẫn cán bộ, nhân dân tìm ra phương thức đấu tranh chống lại kẻ thù tàn bạo, làm dấy lên không khí phấn chấn, tràn đầy niềm tin tưởng, tạo phong trào đồng khởi mạnh mẽ của nhân dân miền Nam. Những tư tưởng đúng đắn và sáng tạo của “Đề cương cách mạng miền Nam”, tạo ra phong trào đồng khởi mạnh mẽ của nhân dân miền Nam.
Những tư tưởng đúng đắn và sáng tạo mà Đề cương cách mạng miền Nam nêu lên là cơ sở để ra Nghị quyết Trung ương 15 (khóa II), tiếp đó là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, góp phần vào việc hoạch định chiến lược cách mạng hai miền Nam - Bắc trong suốt thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, cùng với Bộ Chính trị và BCHTW Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta giữ vững quyết tâm chiến đấu, biến đau thương thành hành động cách mạng, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, thực hiện xuất sắc Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên CNXH.
Sau khi đất nước thống nhất, cả nước đi lên CNXH, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (1976), lần thứ V (1982) của Đảng và nhiều Hội nghị Trung ương, đồng chí Lê Duẩn đã cùng với BCHTW lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật ban đầu của CNXH; bảo đảm vững chắc về chính trị và an ninh quốc phòng của Tổ quốc; xây dựng nền văn hóa, đạo đức cùng quan hệ tốt đẹp giữa người với người do chế độ XHCN đem lại. Với những thành tựu đó, đất nước ta đã đứng vững trước những thử thách khắc nghiệt trong những năm sau chiến tranh với bao biến động chính trị quốc tế to lớn để tiếp tục tiến lên con đường cách mạng mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn lựa.
Suốt đời kiên cường đấu tranh cho lý tưởng cộng sản, cho độc lập của dân tộc, thống nhất của Tổ quốc, cho tự do, hạnh phúc của nhân dân, lịch sử nước ta mãi khẳng định công lao to lớn của đồng chí Lê Duẩn. Đồng chí là hiện thân sinh động của một chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam.