Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả thực hiện các nghị quyết của Đảng
Chính trị - Ngày đăng : 09:45, 09/08/2017
Thời gian qua, việc nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp ủy đảng quan tâm, chú trọng. Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng bảo đảm theo yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực thì việc quán triệt, học tập, triển khai nghị quyết của Đảng còn nhiều hạn chế. Một số cấp ủy chưa thật sự quan tâm đến chất lượng, hiệu quả học tập, quán triệt nghị quyết nên có biểu hiện khoán trắng cho cơ quan tuyên giáo. Việc phối hợp các lực lượng trong tuyên truyền, giới thiệu nghị quyết chưa chặt chẽ, hiệu quả không cao, còn hình thức, ở trên làm kỹ, ở dưới làm lướt; chưa chú trọng đến đối tượng, lĩnh vực, còn dàn trải. Báo cáo viên chưa coi trọng đến việc quán triệt nhiệm vụ, giải pháp, chương trình hành động, liên hệ lý luận thực tiễn, giải đáp thắc mắc còn hạn chế, cách thức tổ chức thực hiện, ít thảo luận, đối thoại. Việc giới thiệu nghị quyết còn nặng về độc thoại, thông tin một chiều, chưa dành thời gian thỏa đáng để trao đổi, đối thoại, giải đáp những vấn đề bức xúc mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm. Việc học tập, quán triệt nghị quyết mới chỉ dừng lại ở việc giới thiệu, quá trình nghiên cứu, thảo luận, giải đáp thắc mắc thường bị bỏ qua do thời gian bố trí học tập ngắn, phương pháp tổ chức học tập không phù hợp, nhất là đảng viên ở nông thôn. Công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, trước hết là kết quả nhận thức của cán bộ, đảng viên về các nội dung cơ bản của nghị quyết chưa được chú trọng đúng mức.
Việc học tập, quán triệt và triển khai nghị quyết của Đảng để bảo đảm nghị quyết đi vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đó là tiền đề vững chắc cho sự thành công trong tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh của mỗi địa phương. Để đạt được mục tiêu này, ngoài các giải pháp đã nêu thì việc đẩy mạnh tuyên truyền nghị quyết trên báo chí, tạo hiệu ứng lan tỏa; các cơ quan báo chí mở chuyên mục “Đưa Nghị quyết vào cuộc sống, Đảng và cuộc sống hôm nay…”; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thường xuyên định hướng, cung cấp thông tin tuyên truyền về xây dựng Đảng cho báo chí cần phải được chú trọng nhiều hơn.
Đề cao trách nhiệm truyền đạt nghị quyết của đồng chí bí thư cấp ủy; yêu cầu bí thư cấp ủy phải là người chủ trì, chỉ đạo hội nghị quán triệt nghị quyết và trực tiếp triển khai nghị quyết, nhất là những nghị quyết về xây dựng Đảng, nghị quyết của đảng bộ cấp mình.
Cần đưa việc tham dự học tập nghị quyết của Đảng vào kết quả đánh giá phân loại đảng viên vào cuối năm, như vậy thì số lượng đảng viên, nhất là đảng viên lãnh đạo, quản lý sẽ tham dự học tập nghị quyết đầy đủ hơn, với tinh thần nghiêm túc hơn; đối với những đồng chí vắng không có lý do chính đáng, Tỉnh ủy cần có văn bản nhắc nhở, phê bình nghiêm túc. Bài thu hoạch cần được kiểm tra đánh giá chất lượng, ngoài việc nêu nhận thức của bản thân, cần có đề xuất, kiến nghị giải pháp thực hiện nghị quyết liên quan đến ngành, lĩnh vực mình phụ trách. Việc tổ chức thảo luận sẽ khắc phục tình trạng nặng về độc thoại, thông tin một chiều khi giới thiệu nghị quyết; dành thời gian thỏa đáng để trao đổi, đối thoại, giải đáp những vấn đề bức xúc mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm; đồng thời tăng cường sự đối thoại giữa báo cáo viên và người học, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong nhận thức và hành động.
Hằng năm cần chỉ đạo tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết tổng kết việc thực hiện các kế hoạch, chương trình để kịp thời chỉ đạo triển khai thực hiện và uốn nắn những sai trái, lệch lạc, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.
Để nâng cao thực hiện các nghị quyết của Đảng trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục quán triệt tốt Chỉ thị 08-CT/TU, ngày 7/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai các nghị quyết của Đảng cần thực hiện tốt một số giải pháp: Đa dạng hóa các hình thức triển khai, quán triệt, học tập nghị quyết và phân nhóm đối tượng học tập. Sử dụng hai hình thức học tập tập trung truyền thống và trực tuyến, tùy vào nội dung của từng nghị quyết của Đảng. Đối với những nghị quyết có liên quan đến những vấn đề quan trọng thì tổ chức học bằng hình thức học tập trung truyền thống, còn lại là tổ chức học trực tuyến. Cần phân nhóm đối tượng học tập nghị quyết với các lớp chuyên sâu như: Văn nghệ sĩ, trí thức, báo chí, chức sắc tôn giáo, doanh nghiệp… Nội dung các lớp chuyên sâu cần gắn với nhiệm vụ cụ thể, nhất là những giải pháp của từng ngành, lĩnh vực có đối tượng tham gia học tập nghị quyết, bảo đảm yêu cầu thiết thực, hiệu quả... |