Phát huy truyền thống anh hùng, Nâm Nung vững bước đi lên
Chính trị - Ngày đăng : 13:36, 29/04/2020
Tự hào là “cái nôi” của cách mạng
Thời kỳ chống Mỹ, từ năm 1959 đến 1975, Nâm Nung là vùng đất cách mạng, căn cứ kháng chiến B4-liên tỉnh IV. Đồng bào các dân tộc luôn sắt son với cách mạng, không chỉ là cơ sở nuôi giấu, che chở cho cách mạng mà còn tham gia tiếp lương, tải đạn và trực tiếp cầm súng chống giặc. Suốt thời gian chống Mỹ, người dân xã Nâm Nung đóng góp nhiều công sức, xương máu cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong đó, có 40 liệt sĩ là con em các dân tộc trên địa bàn hy sinh trong cuộc kháng chiến.
Nhà Bia ghi danh liệt sĩ đồng bào dân tộc thiểu số xã Nâm Nung hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ |
Với đóng góp to lớn đó, năm 1994, xã Nâm Nung đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng. Ghi nhận và tri ân công lao đóng góp, lòng nhiệt tình cách mạng của đồng bào các dân tộc nơi đây, ngày 28/6/2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 798/QĐ-TTg công nhận xã Nâm Nung là xã An toàn khu của Trung ương trong kháng chiến chống Mỹ.
Tiếp chúng tôi tại trụ sở, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nâm Nung Đinh Xuân Phụng cho biết: “Trải qua chiến tranh, đất và người Nâm Nung đã chịu nhiều đau thương, mất mát nhưng bà con luôn tự hào về quê hương là “cái nôi” của cách mạng. Nâm Nung thường xuyên được tiếp đón các đoàn du khách, nhất là các cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu, sát cánh cùng bà con về thăm lại chiến trường xưa. Nhiều người đã quyên góp, ủng hộ các gia đình chính sách khó khăn. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, mặc dù năm nay không có hoạt động bề nổi, song Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Nâm Nung luôn hướng về kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước với niềm hân hoan, tự hào”.
Tượng đài "Đoàn kết-Chiến thắng" tại Khu căn cứ kháng chiến B4- liên tỉnh IV |
Bà con rất phấn khởi
Theo Bí thư Đinh Xuân Phụng, phát huy truyền thống anh hùng trong kháng chiến và tự hào hơn nữa là trong những năm qua, Nâm Nung đã có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế, chăm lo đời sống cho đồng bào các dân tộc, xóa đói giảm nghèo. Ngoài việc tập trung mọi nguồn lực để phát triển nông nghiệp bền vững, xã thực hiện tốt các chương trình, dự án giảm nghèo, tạo điều kiện cho bà con nghèo được tiếp cận với các nguồn vốn để làm ăn, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, địa phương còn tích cực phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nên đời sống người dân ngày càng ấm no.
Cùng với sự quan tâm đầu tư các chương trình, dự án của Nhà nước, người dân luôn tích cực lao động sản xuất, số hộ khá, giàu trong xã ngày càng tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm. Chia sẻ về những đổi thay của quê hương, già Y Xuyên ở bon Ja Ráh cho biết: “Trước đây, đời sống người dân khổ lắm, nhất là trong vấn đề tìm cách làm ăn để thoát nghèo. Nhưng nay đã khác rồi, được Nhà nước quan tâm hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, cho vay vốn làm ăn, nên cuộc sống bà con ngày càng khấm khá. Trên địa bàn có nhiều trường học được xây dựng khang trang, giao thông đi lại thuận tiện…, bà con rất phấn khởi”.
Diện mạo, đời sống khởi sắc
So với trước đây, diện mạo Nâm Nung thực sự đã và đang khởi sắc từng ngày. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, hệ thống hạ tầng như điện, đường, trường, trạm… đã được đầu tư đồng bộ, khang trang. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Đường giao thông tại xã Nâm Nung được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, lao động sản xuất |
Hiện toàn xã có 89,4% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 4/5 thôn bon đạt danh hiệu văn hóa. Các thiết chế văn hóa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hội họp của bà con. Đặc biệt, tại địa bàn có nhiều di tích lịch sử, nhất là Khu căn cứ kháng chiến B4 - liên tỉnh IV, Nhà Bia ghi danh 40 liệt sĩ dân tộc thiểu số hy sinh trong kháng chiến được đầu tư xây dựng. Vào các dịp lễ, tết, lãnh đạo các cấp lại về thắp hương thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc. Đây cũng là nơi về nguồn để giáo dục truyền thống yêu nước, cội nguồn dân tộc cho thế hệ trẻ trong tỉnh.
Là "cái nôi" cách mạng nên trên địa bàn xã có số lượng lớn các gia đình chính sách. Vì vậy, công tác đền ơn đáp nghĩa luôn được Đảng bộ, chính quyền xã thực hiện tốt. Toàn xã hiện có 123 trường hợp là người có công với nước được hưởng trợ cấp. Những năm qua, từ nhiều nguồn hỗ trợ, xã đã xây dựng hàng chục căn nhà tình nghĩa, giúp các gia đình chính sách an cư, lạc nghiệp. Ngoài ra, hàng năm chính quyền xã còn đến thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách vào các dịp lễ, tết.
Bí thư Đinh Xuân Phụng khẳng định: “Những năm qua, cùng với sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, đầu tư của Nhà nước, xã đã phát huy truyền thống anh hùng trong xây dựng nông thôn mới, nỗ lực khắc phục các khó khăn nên đời sống vật chất, tinh thần của bà con đã thay đổi rõ rệt. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo còn 8,78%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 40 triệu đồng/người/năm. Dẫu vậy, xã vẫn còn không ít khó khăn trên bước đường đi lên, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tiếp tục nỗ lực, vươn lên, xây dựng Nâm Nung ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với quê hương anh hùng".