Phụ nữ Việt Nam trong các phong trào cách mạng

Chính trị - Ngày đăng : 09:05, 08/03/2021

Lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam khẳng định, phụ nữ Việt Nam không chỉ là lực lượng quan trọng trong lao động sản xuất với những phẩm chất tần tảo, cần cù, đảm đang, thông minh, sáng tạo mà còn là người gìn giữ, bảo vệ truyền thống văn hóa dân tộc và lưu truyền các giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Thế kỷ X, Thái hậu Dương Vân Nga đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê, góp phần bảo vệ nền độc lập dân tộc, chiến thắng quân Tống xâm lược.

Thế kỷ XI, Nguyên phi Ỷ Lan hai lần làm nhiếp chính (thay vua điều hành triều đình), giữ hậu phương vững chắc để chồng là vua Lý Thánh Tông yên tâm đánh giặc và giúp con là vua Lý Nhân Tông sử dụng người tài, quản lý đất nước, giữ vững nền độc lập dân tộc.

Thế kỷ XIII, bà Lý Thị Châu (bà Chúa Kho) được biết đến với ý chí kiên cường, chỉ huy quân sĩ bảo vệ kho lương thực, nhu yếu phẩm, lo việc hậu cần cho binh sỹ, để chồng yên tâm ra trận mạc.

Đại biểu phụ nữ các dân tộc Tây Bắc gặp Bác Hồ (1959). Ảnh tư liệu

Truyền thống “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” của phụ nữ Việt Nam được khởi nguồn từ thời Bà Trưng, Bà Triệu - những người phụ nữ đã vùng lên cùng toàn dân đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc. Hình ảnh Bà Triệu Thị Trinh lãnh đạo khởi nghĩa chống ách thống trị của nhà Ngô năm 248 với câu nói nổi tiếng: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người” đã trở thành niềm tự hào và kiêu hãnh của phụ nữ Việt Nam. Hình ảnh kiên cường, bất khuất của nữ tướng Bùi Thị Xuân trong phong trào nông dân Tây Sơn thế kỷ XVIII và tiếp theo là bà Ba Cai Vàng, bà Ba Đề Thám ... một lần nữa khẳng định truyền thống yêu nước, sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc lập dân tộc của phụ nữ Việt Nam.

Giai đoạn 1939 - 1945, phong trào đấu giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ mà đỉnh cao là Cách mạng tháng Tám năm 1945. Cuộc Tổng khởi nghĩa và nổi dậy giành chính quyền năm 1945 ghi nhận sự đóng góp rất lớn của phụ nữ. Khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, phụ nữ sôi nổi quyên góp tiền, trang bị vũ khí thô sơ cho dân quân tự vệ. Nhiều đoàn viên phụ nữ cứu quốc trẻ tham gia các đội tự vệ, dân quân tự vệ, dân quân và các đội cứu thương, tổng khởi nghĩa giành chính quyền diễn ra liên tiếp ở các địa phương.

Trong lực lượng lãnh đạo tổng khởi nghĩa, nhiều nữ chiến sĩ cách mạng đã được giao trọng trách, nhiều cán bộ chủ chốt của Hội Phụ nữ Cứu quốc đảm nhiệm vị trí trọng yếu, tiêu biểu như: bà Trương Thị Mỹ tham gia lãnh đạo khởi nghĩa cướp chính quyền ở huyện Hoài Đức (Hà Đông); Phan Thị Nể là Phó ban Chỉ huy khởi nghĩa cướp chính quyền ở Hội An; bà Nguyễn Thị Định dẫn đầu đoàn người vào chiếm thị xã Bến Tre; bà Trần Thị Nhường lãnh đạo khởi nghĩa Sa Đéc; ở  Hải Dương bà Ngô Thị Sâm chỉ đạo giành chính quyền huyện Cẩm Giàng ...

Trong kháng chiến chống Pháp, phụ nữ Việt Nam ở khắp mọi miền đất nước tham gia cống hiến sức trẻ, tuổi xuân vào cả những công việc ở hậu phương cũng như tiền tuyến. Cả nước có hàng triệu phụ nữ gia nhập dân quân du kích đánh giặc bằng mọi phương tiện có trong tay như “đòn gánh đánh càn” (ở miền Bắc), “tầm vông diệt giặc” (ở miền Nam). Trong chiến đấu, phụ nữ tỏ ra không hề thua kém nam giới, nhiều tấm gương tiêu biểu đã được Nhà nước tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang như Nguyễn Thị Chiên, Hồ Thị Bi, Mạc Thị Bưởi, Võ Thị Sáu, nữ quân báo Lê Thị Tạo...

Ngoài việc trực tiếp đấu tranh chống địch ở vùng tạm chiếm, chị em còn thực hiện đấu tranh kinh tế với địch, giữ vững và phát triển kinh tế của ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Trên thế giới chưa có nơi nào phụ nữ làm Phó tổng Tư lệnh như ở miền Nam nước ta”.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ở miền Nam, phụ nữ luôn là lực lượng đấu tranh hăng hái, dũng cảm và sáng tạo. Chị em đã vận dụng cả hình thức đấu tranh công khai và bí mật, xây dựng cơ sở trong lòng địch, gan dạ, kiên cường chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Sự xuất hiện của “Đội quân tóc dài”  do đồng chí Nguyễn Thị Định lãnh đạo như một huyền thoại, đã trở thành một điểm sáng trong nghệ thuật chiến tranh Nhân dân Việt Nam. Các đội nữ du kích, nữ tự vệ, nữ biệt động luôn là nỗi kinh hoàng của quân xâm lược.

Còn tại hậu phương lớn miền Bắc, phụ nữ sôi nổi hưởng ứng phong trào “Ba đảm đang” bảo vệ và xây dựng hậu phương vững mạnh, chi viện cao nhất sức người sức của cho tiền tuyến. Hàng vạn chị em đã tình nguyện tham gia thanh niên xung phong, các đoàn dân công hoả tuyến. Khi giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, chị em có mặt nhiều hơn trong lực lượng dân quân trực tiếp chiến đấu, đóng góp công sức vào thành tích bắn rơi 4.000 máy bay địch, làm nên một trận “Điện Biên Phủ trên không” giữa bầu trời Hà Nội. Chiến thắng vĩ đại ngày 30/4/1975 có những đóng góp to lớn của phụ nữ miền Nam nói riêng và phụ nữ cả nước nói chung.

Trong Di Chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Bác Hồ kính yêu đã dành cho phụ nữ sự quan tâm sâu sắc. Bác viết: “Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày  có thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo”.

Có thể nói, cũng như nam giới, phụ nữ có thể đảm nhận và hoàn thành tốt những công việc lớn của đất nước, của cách mạng. Những đóng góp của phụ nữ Việt Nam trong các phong trào đấu tranh cách mạng ở chặng đường đã qua là hành trang và kinh nghiệm đáng quý để phụ nữ các thế hệ tiếp theo tiếp tục đem tài năng, trí tuệ góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước trong giai đoạn mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dưới chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, người phụ nữ dũng cảm có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ của người đàn ông dũng cảm có thể làm, dù nhiệm vụ ấy đòi hỏi rất nhiều tài năng và nghị lực."  Người luôn quan tâm đến vị trí của phụ nữ trong các tổ chức của hệ thống chính trị, mong muốn ngày càng có nhiều chị em tham gia công tác trong các cấp ủy Đảng, chính quyền cũng như trong các tổ chức quần chúng Nhân dân do Đảng tổ chức, lãnh đạo. Người còn nói, nếu cán bộ lãnh đạo là nữ mà ít, đấy cũng là một thiếu sót của Đảng.

Ngô Thị Thanh Nhàn