“Quả đấm chiến lược” Tây Nguyên

Chính trị - Ngày đăng : 10:50, 29/04/2021

Đầu năm 1974, Bộ Chính trị họp vạch kế hoạch giải phóng miền Nam với 2 nội dung chính: 1974-1975 chuẩn bị lực lượng tạo thế và lực và năm 1976 tổng tiến công giải phóng miền Nam; nếu có thời cơ và điều kiện thuận lợi, năm 1975 giải phóng miền Nam.

Xét hình thái vận động và tương quan lực lượng trên chiến trường, Bộ Chính trị đã chọn Tây Nguyên làm ngòi nổ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột. Ảnh tư liệu

Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng trong hệ thống phòng thủ của chế độ Việt Nam cộng hòa (VNCH) Nguyễn Văn Thiệu. Những động thái chính trị, quân sự cuối năm 1974 sau khi quân ta giải phóng Phước Long cho thấy, dù được Mỹ hà hơi, tiếp sức và có trên 1 triệu quân chính quy cùng lực lượng bảo an, dân vệ ở khắp các xã, nhưng quân đội VNCH về bản chất vẫn là đội lính đánh thuê và tinh thần chiến đấu ngày càng giảm sút.

Dù có hò hét “tràn ngập lãnh thổ” nhưng Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu vẫn lực bất tòng tâm và để lộ những lỗ hổng quan trọng trong chuỗi xích phòng thủ miền Nam trước sức tiến công liên tục trên nhiều địa bàn của quân giải phóng, mà điển hình là hai chiến thắng Quảng Trị 1972 và Phước Long 1974.

Tây Nguyên lúc bấy giờ nằm dưới sự kiểm soát của quân đoàn 2 VNCH, do Trung tướng Phạm Văn Phú, “con cưng” của Nguyễn Văn Thiệu trấn giữ, với đại bản doanh tại Plâyku (Gia Lai). Chọn Tây Nguyên là “quả đấm chiến lược" của quân giải phóng trong cuộc chiến cuối cùng mang tính quyết định để phân thắng bại với kẻ thù, đi đến giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc là một quyết định đúng đắn của Bộ Chính trị. Lại một lần nữa, nhằm đánh lừa đối phương, tạo cú điểm huyệt hạ gục mắt xích quan trọng để hệ thống phòng thủ của địch bị thiêu rụi từng mảng, phương châm “bí mật - bất ngờ - táo bạo - quyết thắng” được quân giải phóng khẳng định tuyệt đối.

Tây Nguyên rộng lớn và mang tầm chiến lược vì đó là “mái nhà” Đông Dương, nhưng một khi các cửa ngõ hiểm yếu như đường 14, đường 26 bị khóa chặt thì địch chỉ có duy nhất một đường cứu viện là hàng không. Khi được hỏi về khả năng địch phản kích, đổ bộ quân bằng máy bay, một vị tướng trong Bộ Chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên cho biết: “Ta sẽ đón sẵn trận địa chờ chúng và đạn pháo đủ bắn cho chúng khiếp đến 3 đời”.

Ở trận đánh “điểm huyệt” Buôn Ma Thuột, nghệ thuật quân sự được phát huy cao độ và trở thành kinh điển về phương pháp đánh lừa, thu hút sự chú ý, tạo khoảng trống bất ngờ sau lưng kẻ địch của chiến tranh cách mạng. Tại trung tâm chỉ huy của quân đoàn 2 VNCH ở Tây Nguyên, nhiều tin tức tình báo cho hay, quân giải phóng có dấu hiệu tấn công Plâyku, bởi nhiều ngả đường đỏ au màu đất được mở từ các cánh rừng Tây Nguyên bạt ngàn đều nhằm hướng Plâyku. Trên con đường ấy, quân giải phóng liên tục hành quân, xe pháo gầm rú và lại có những trận mở màn vòng ngoài nữa. Kế hoạch nghi binh của quân giải phóng đã thật sự làm rối tung những cái đầu nóng trong bộ máy chiến tranh của VNCH.

Trong khi đó, từ cuối tháng 2/1975, xe tăng, trọng pháo và những đơn vị chủ lực quân giải phóng đã bí mật ém sát cửa ngõ Buôn Ma Thuột. Rừng đại ngàn vẫn xanh nguyên sơ, lặng lẽ từng giây phút chứng kiến sấm sét chuẩn bị nện xuống đầu địch.

Điều gì đến tất phải đến! Ngày 10/3/1975, khi quân giải phóng tràn ngập Buôn Ma Thuột, xe tăng giải phóng rầm rộ vào khu quân sự Mai Hắc Đế và Bộ chỉ huy sư đoàn 23 của VNCH, thì nỗi kinh hoàng của bộ máy chiến tranh VNCH mới thực sự lên đến cao độ. Nguyễn Văn Thiệu vừa chửi Phạm Văn Phú là bất tài, vừa hò hét “tái chiếm” Buôn Ma Thuột. Như một kịch bản đã định sẵn, mọi ngả đường đều bị khóa chặt, máy bay địch chở lính phản kích chìm ngập trong tầm bắn của lửa đạn cao xạ đỏ trời của quân giải phóng, khiến cho ý đồ cố thủ Tây Nguyên trở nên tuyệt vọng. Địch buộc phải bỏ Tây Nguyên để rút về cố thủ ở đồng bằng ven biển.

Và tấm thảm kịch đã đến với quân đoàn 2 VNCH và cả chính quyền Sài Gòn, con đường Tây Nguyên - Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột - Nha Trang đã trở thành vành đai lửa, đưa địch vào tử huyệt. Cuộc rút lui bảo toàn lực lượng biến thành cuộc tháo chạy hoảng loạn. Quân đoàn 2 VNCH bị xóa sổ hoàn toàn, Tây Nguyên được giải phóng, mở đầu cho phản ứng dây chuyền đổ vỡ của quân đội và chính quyền VNCH.

Sau thắng lợi chiến dịch Tây Nguyên (từ 10 - 24/3/1975) là thắng lợi của chiến dịch Huế-Đà Nẵng (19-29/3/1975). Từ đầu tháng 4/1975, các binh đoàn chủ lực của quân giải phóng trên đường tiến quân về Sài Gòn đã giải phóng Phan Rang, Bình Thuận, Bình Tuy, Xuân Lộc, Bà Rịa…

Hoảng sợ trước nguy cơ sắp bị tiêu diệt hoàn toàn, từ ngày 18/4/1975, Tổng thống Mỹ G.Pho ra lệnh di tản gấp người Mỹ ở Sài Gòn bằng lực lượng không quân và hải quân Mỹ. Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức vào lúc 9 giờ 30 phút sáng 21/4/1975 (sau đó 3 ngày Thiệu bỏ trốn ra nước ngoài), đưa Trần Văn Hương, rồi Dương Văn Minh lên thay (28/4).

Từ ngày 25 - 28/4/1975, cuộc tấn công vào Sài Gòn bắt đầu. Một bộ phận quan trọng của lực lượng địch trên tuyến phòng thủ vòng ngoài bị tiêu diệt. Các binh đoàn chủ lực của quân giải phóng siết chặt vòng vây xung quanh Sài Gòn.

Ngày 30/4/1975, với sự hợp đồng chiến đấu anh dũng của các lực lượng tinh nhuệ, bộ đội chủ lực, tự vệ vùng và nội đô, cùng với sự nổi dậy đều khắp và rất kịp thời của quần chúng, các cánh quân giải phóng đã thần tốc thọc sâu, tiến thẳng vào đánh chiếm các mục tiêu quan trọng của TP. Sài Gòn-Gia Định.

Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng đã được cắm trên nóc Dinh Độc Lập, Tổng thống VNCH Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Sài Gòn hoàn toàn được giải phóng, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Trên đà chiến thắng, đồng bào và chiến sĩ các tỉnh Đông Nam bộ, đồng bằng Sông Cửu Long đã đồng loạt tiến công và nổi dậy, lần lượt giải phóng các tỉnh còn lại. Ngày 1/5/1975, toàn bộ miền Nam Việt Nam đã được giải phóng, đất nước thống nhất, Nam Bắc sum họp một nhà.

Tường Mạnh