Quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh và đạt cao nhất các chỉ tiêu năm 2021

Chính trị - Ngày đăng : 17:03, 30/09/2021

Chiều 30/9, tiếp tục chương trình làm việc, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ 5 (khóa XII) đã chia tổ để thảo luận các vấn đề nêu ra tại hội nghị.

Các đại biểu cơ bản thống nhất với báo cáo dự thảo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2021. Đặc biệt, trước những khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, nhưng kết quả phát triển kinh tế-xã hội vẫn tăng trưởng ở mức ổn định cho thấy nỗ lực rất lớn của tỉnh.

Đồng chí Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ

Dự báo sắp tới, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế vĩ mô sẽ gặp không ít khó khăn do bị đình trệ các chuỗi cung ứng sản xuất, kinh doanh, nên tác động không nhỏ tới phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Do đó, các đại biểu đề nghị tỉnh cần có sự rà soát, đánh giá đầy đủ, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh và phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2021. Trong đó, tỉnh cần tiếp tục quan tâm, có giải pháp, chính sách phù hợp để giải quyết những khó khăn ở cơ sở, nhất là cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.

Đồng chí Bùi Huy Thành, UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy điều hành thảo luận tại tổ 1

Theo phân tích của các đại biểu, tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước tuy có cải thiện nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu, chưa phát huy được vai trò thúc đẩy kinh tế trong bối cảnh chịu tác động của dịch bệnh. Kết quả thực hiện công tác thu hút đầu tư ngoài ngân sách còn hạn chế. Công tác phối hợp giải quyết các vướng mắc của dự án để bảo đảm điều kiện chấp thuận chủ trương đầu tư còn chậm.

Hiện nay, vướng mắt lớn nhất là công tác đền bù, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, một phần là do giá đền bù ban hành đã lâu, không còn phù hợp với thực tế. Do đó, tỉnh cần sớm sửa đổi, bổ sung, ban hành các chính sách về đền bù sát thực tế để tạo thuận lợi cho địa phương trong quá trình thực hiện.

Mặc dù đã tích cực, kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ, nhưng tiến độ thực hiện một số dự án thu hút đầu tư lớn trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm, nhất là các dự án điện gió, điện mặt trời, trong khi việc xử lý các vấn đề phát sinh có liên quan vẫn chưa đạt hiệu quả. Vì vậy, tỉnh cần sớm rà soát, đánh giá xem vướng từ đâu để giải quyết triệt để, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và người dân.

Bí thư Huyện ủy Krông Nô Nguyễn Tấn Bi chuyển lời cảm ơn của người dân Krông Nô đến UBND tỉnh về việc đã tổ chức đối thoại

Các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn là tỉnh nông nghiệp nhưng các sản phẩm nông nghiệp chưa có thị trường, kể cả thị trường trong tỉnh hầu như không có chỗ đứng. Vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước về nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn yếu.

Đối với việc trồng rừng, tăng độ che phủ của rừng, nếu như tốc độ hiện nay thì đến cuối nhiệm kỳ sẽ không thể đạt chỉ tiêu đề ra, nên cần có giải pháp để đẩy mạnh hơn nữa.

Đánh giá cao việc Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức đối thoại với người dân các xã Nâm Nung, Nâm N’đir (Krông Nô) để giải quyết vấn đề tranh chấp đất tại Công ty TNHH MTV Nam Nung, đại biểu đề nghị, các địa phương cần phát huy cách làm này để giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo trên địa bàn và sau đối thoại cần tập trung giải quyết các kết quả đạt được để tạo niềm tin trong dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên giải trình, thông tin một số vấn đề liên quan mà đại biểu quan tâm

Thảo luận các nghị quyết của Tỉnh ủy, nhất là nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông đến năm 2025, định hướng 2030, các đại biểu cho rằng, đây là vấn đề vô cùng quan trọng trong thời đại của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và sẽ  tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống.

Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần rà soát, đánh giá đúng thực trạng của tỉnh để từ đó có giải pháp căn cơ, đồng bộ, hiệu quả. Việc xây dựng chính quyền thông minh cần giao cho các địa phương phối hợp với cơ quan chuyên ngành của tỉnh thực hiện để bảo đảm sát với tình hình thực tế, hiệu quả…

Theo chương trình, ngày 1/10, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 5 sẽ tiếp tục thảo luận tại hội trường và tiến hành bế mạc.

9 tháng đầu năm, trong 9/13 nhóm chỉ tiêu trên lĩnh vực kinh tế - xã hội có kết quả đánh giá thì có 8/13 nhóm chỉ tiêu tiến độ đạt khá, tốt (đạt từ 60% kế hoạch trở lên); 1/13 nhóm chỉ tiêu tiến độ còn thấp, cần tập trung phấn đấu quyết liệt để đạt kế hoạch đề ra (nhóm chỉ tiêu về môi trường); 4/13 nhóm chỉ tiêu còn lại đánh giá vào cuối năm.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (giá 2010) ước đạt 12.334,3 tỷ đồng, đạt 60,3% kế hoạch; tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 7,72% (kế hoạch đề ra cả năm đạt 20.452 tỷ đồng, tốc độ 7,18%), trong đó: Khu vực 1 tăng 5,32%; Khu vực 2 tăng 25,92%; Khu vực 3 tăng 1,74% và Khu vực thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,2% (cùng kỳ Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,58%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 10,65% so với cùng kỳ. 

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 12.800 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch. Tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển được giao là: 2.086,8 tỷ đồng, đã thực hiện phân bổ đạt 98,5% kế hoạch vốn. Đến hết ngày 30/9/2021 giải ngân vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước ước đạt 66,4%, cao hơn 16% so với cùng kỳ và cao hơn bình quân chung của cả nước là khoảng 50% (thuộc những tỉnh giải ngân cao của cả nước).

Tình hình phá rừng giảm so với cùng kỳ (giảm 65 vụ, tương đương 19,6%; giảm 19,8 ha, tương đương 22,9%); đã trồng được 919,94 ha rừng, đạt 91,9% kế hoạch; khoanh nuôi tái sinh tự nhiên 10 ha; tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 38,06%.