Thảo luận dự án Luật Thi đua-Khen thưởng và Luật Điện ảnh (sửa đổi)
Chính trị - Ngày đăng : 16:07, 28/10/2021
Thảo luận góp ý Dự án Luật Thi đua-Khen thưởng (sửa đổi), các đại biểu đề nghị nên sớm khắc phục những bất cập trong công tác thi đua, khen thưởng.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng cho rằng, luật quy định các thành tích phải duy trì liên tục, trường hợp bị gián đoạn thì phải bắt đầu lại từ đầu, sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình xét thi đua, khen thưởng, làm giảm tính phấn đấu của người lao động, hạn chế sự nỗ lực của cá nhân đối với công tác thi đua. Do đó, dự thảo cần sửa đổi theo hướng quy định các tiêu chí thi đua nên có thêm các trường hợp đặc biệt như nổi trội về thành tích, bị gián đoạn do các yếu tố khách quan…
Đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cùng các ĐBQH tỉnh tham dự tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Quang Vũ |
Tại Điều 62, Điều 63, Điều 64 và khoản 3 Điều 65 của dự thảo luật, Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm nội dung “truy tặng” đối với danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”, “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú”, “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”, “Nghệ nhân ưu tú” nhằm tri ân các cá nhân có nhiều cống hiến; đồng thời động viên gia đình cá nhân đó và khuyến khích thế hệ trẻ tiếp nối thành tích của cha ông, tiếp tục phát huy vai trò trong cộng đồng.
Thảo luận Luật Điện ảnh (sửa đổi), đại biểu Dương khắc Mai đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần chú ý đến định hướng nền tảng phát triển nội dung phim của Việt Nam, quan tâm đến thế mạnh đặc sắc của Việt Nam hiện nay để khuyến khích chú trọng sản xuất các dòng phim hoặc lồng ghép trong sản phẩm phim, chẳng hạn như lịch sử dân tộc, ẩm thực, danh lam thắng cảnh Việt Nam…
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng đóng góp thảo luận Luật Thi đua-Khen thưởng. Ảnh: Quang Vũ |
Bên cạnh đó, để bảo đảm thống nhất với quy hoạch chung hiện này và đối chiếu với khó khăn của nguồn ngân sách nhà nước, các nhiệm vụ chi cho các lĩnh vực cần ưu tiên hơn thì để Nhà nước đầu tư là chưa khả thi. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, chính sách về đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đối với phát triển điện ảnh cần có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả. Đồng thời, có giải pháp ràng buộc về mặt pháp lý để bảo đảm tính khả thi khi triển khai thực hiện các chính sách trong thực tiễn.
Bên cạnh đó, do sự phát triển của mạng internet, kỹ thuật số, nhằm tạo động lực cho các nhà sản xuất phim trong việc tìm kiếm doanh thu, tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển, bảo vệ các quy trình trong sản xuất và phát hành phim, đề nghị bổ sung thêm nội dung quy định về chính sách của Nhà nước như sau: “Nhà nước có chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống rạp chiếu phim hoặc điểm chiếu phim công cộng gắn với các hoạt động văn hóa khác.