Triển khai chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022

Chính trị - Ngày đăng : 14:16, 04/11/2021

Sáng 4/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Dương Khắc Mai, cùng các ĐBQH tỉnh tham dự.

Đoàn ĐBQH tỉnh tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông

Theo kế hoạch, năm 2022, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao 2 chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát 2 chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021” và “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”.

Bên cạnh đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chú trọng xem xét các báo cáo, chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát chuyên đề, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân…

Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất các chuyên đề giám sát và bày tỏ tin tưởng qua giám sát sẽ tạo ra sự đổi mới của đất nước. Các đoàn giám sát cần lắng nghe đa chiều để công khai, minh bạch, phản ánh trung thực những vấn đề từ thực tiễn cuộc sống, cũng như chuẩn bị các phương án giám sát trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành nhiều thời gian, nguồn lực cho việc chuẩn bị công tác giám sát. Trong cả 4 cuộc giám sát này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có kế hoạch huy động các cơ quan của Quốc hội, đồng thời giao nhiệm vụ cho 63 đoàn ĐBQH và 63 HĐND các tỉnh, thành phố cũng như huy động tổng lực các cơ quan, lực lượng chức năng tham gia. Bên cạnh đó, HĐND các cấp, các đoàn ĐBQH, các đoàn giám sát chuyên ngành, các cấp giám sát thực hiện một cách độc lập.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, việc giám sát phải làm đến nơi, đến chốn, có những nhận xét, đánh giá sát đúng với tình hình thực tiễn của từng lĩnh vực, đưa ra những kiến nghị, đề xuất sửa đổi chính sách, pháp luật, đồng rhời phải tăng cường theo dõi việc tổ chức thực hiện các kiến nghị giám sát.  Phương pháp giám sát phải hết sức khoa học, tổ chức chặt chẽ. Trong quá trình giám sát nếu phát hiện những dấu hiệu sai phạm thì sẽ chuyển hồ sơ cho các cơ quan chức năng điều tra, xử lý. 

Phan Tân