Đối ngoại nâng cao vị thế, vai trò và uy tín của Việt Nam trên thế giới
Chính trị - Ngày đăng : 17:57, 14/12/2021
Tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông, các đồng chí: Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Điểu K’Ré, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì. Hội nghị còn tổ chức trực tuyến tới các huyện ủy, thành ủy.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao công tác đối ngoại |
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư trình bày báo cáo về thành tựu trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn 5 năm qua (2016-2021). Theo đó, trong 35 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn trong công tác đối ngoại.
Đối ngoại đã góp phần củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc; Đảng ta đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia; Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Các tổ chức hữu nghị nhân dân có quan hệ với 1.200 tổ chức nhân dân và phi chính phủ nước ngoài.
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy chủ trì, tham dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Đắk Nông |
Về hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với trên 220 đối tác; 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam. Việt Nam đã tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đến nay, Việt Nam là thành viên của hơn 70 tổ chức, diễn đàn đa phương khu vực và toàn cầu. Việt Nam đã 2 lần làm Chủ tịch ASEAN (2010 và 2020); đăng cai thành công Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018; tổ chức tốt cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 (2019). Việt Nam cũng tích cực tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc…
Đối ngoại đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Việt Nam đã cơ bản xây dựng được đường biên giới trên bộ hòa bình, hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng. Trên biển, chúng ta kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích chính đáng của đất nước; kiên trì giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Đắk Nông |
Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đạt nhiều kết quả quan trọng. 5 năm qua, Việt Nam đã triển khai công tác bảo hộ đối với trên 50.000 công dân, tổ chức gần 700 chuyến bay đưa trên 200.000 công dân về nước an toàn trong đại dịch Covid-19…
Hai năm qua, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước, chúng ta đã triển khai công tác ngoại giao y tế, ngoại giao vắc xin rất kịp thời, hiệu quả, đến nay đã nhận được trên 151 triệu liều vắc xin và nhiều trang thiết bị y tế, góp phần quan trọng cho công tác phòng, chống dịch đi đôi với phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Việt Nam đã viện trợ vật tư y tế và tài chính cho trên 50 quốc gia và tổ chức quốc tế, thể hiện rõ vai trò “thành viên có trách nhiệm” trong cộng đồng quốc tế.
Các huyện ủy, thành ủy tham dự hội nghị tại các điểm cầu |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, công tác đối ngoại luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao. Hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân được triển khai chủ động, tích cực, ngày càng đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, gắn kết ngày càng chặt chẽ. Đối ngoại đa phương và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng được đẩy mạnh, thiết thực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vai trò, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước ta trên thế giới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng cho rằng, đối ngoại vẫn còn những mặt hạn chế nhất định. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế có mặt, có lúc chưa theo kịp diễn biến của tình hình, chưa lường hết những tác động bất lợi; chưa khai thác tốt và phát huy hiệu quả các quan hệ lợi ích đan xen với các đối tác quan trọng. Sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương trong công tác đối ngoại chưa chặt chẽ, thường xuyên.
Thời gian tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, với nhiều biến động khó dự báo, tác động nhiều mặt đến môi trường an ninh và phát triển của đất nước. Công tác ngoại giao cần uyển chuyển không để bị động, bất ngờ. Công tác đối ngoại bám theo tư tưởng, mục tiêu, phương pháp mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.
Phương hướng đối ngoại là chủ động, tích cực triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đối ngoại của các cấp, các ngành, các địa phương, qua đó tiếp tục giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên thế giới.