Ưu tiên vốn đầu tư nâng cấp, phát triển kết cấu hạ tầng Tây Nguyên
Chính trị - Ngày đăng : 16:42, 04/01/2022
ĐBQH Dương Khắc Mai đề nghị Trung ương ưu tiên nguồn vốn để đầu tư nâng cấp, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông cho Tây Nguyên |
Cùng với thống nhất sự cần thiết ban hành nghị quyết, các ĐBQH tỉnh đề nghị để việc phân phối ngân sách nhà nước phải gắn kết với các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong khuôn khổ kế hoạch tài chính trung và dài hạn và từng ngành, lĩnh vực. Cơ cấu chi ngân sách nhà nước được đổi mới, đảm bảo tập trung cho những mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước nhằm duy trì và phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải cách tiền lương, an sinh xã hội...
Các chế định pháp lý của quá trình đầu tư, từ việc chuẩn bị dự án, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư... cần triển khai toàn diện, đồng bộ theo quy định của Luật Đầu tư công, kiên quyết khắc phục tình trạng chuẩn bị sơ sài, quyết định chủ trương đầu tư một cách cảm tính, gây lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả. Các khoản nợ công phải được cơ cấu lại theo hướng tăng các khoản vay trung, dài hạn, ưu tiên tập trung đầu tư vào các dự án lớn về kết cấu hạ tầng.
Các ĐBQH cũng đề nghị sớm có tổng kết quá trình thực hiện công tác phòng, chống dịch. Trên cơ sở nhìn nhận những khó khăn, hạn chế, để đưa ra các giải pháp về chính sách an sinh xã hội phù hợp...
ĐBQH Trần Thị Thu Hằng đề nghị cần có chính sách an sinh xã hội phù hợp với đối tượng yếu thế, người lao động sau đại dịch Covid-19 |
Đặc biệt, ĐBQH tiếp tục đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần cân đối, bố trí nguồn vốn nhiều hơn nữa trong giai đoạn 2021-2025 để đầu tư nâng cấp và phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là mạng lưới giao thông đường bộ cho các tỉnh Tây Nguyên; trong đó, chú trọng đến các tuyến đường đối ngoại liên vùng. Đặc biệt, sớm xây dựng đường cao tốc kết nối Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải Miền Trung và Đông Nam Bộ nói chung. Ưu tiên trước cho tuyến Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) để tạo động lực cho Tây Nguyên phát triển. Điều này cũng là góp phần thực hiện Nghị quyết số 88, ngày 18/11/ 2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Mặt khác, tỉnh Đắk Nông đang trong giai đoạn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chung; hoạt động sản xuất kinh doanh chủ lực là nông nghiệp, nông thôn nên nhu cầu vốn lớn. ĐBQH đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dung ưu tiên nguồn vốn, mở rộng các gói tín dụng phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu vốn đầu tư phát triển, sản xuất, kinh doanh của tỉnh. Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp cần thực hiện giảm chi phí đầu vào đối với vật tư nông nghiệp, thông qua việc xem xét thay đổi ngành sản xuất phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.
Trung ương cần có chính sách hỗ trợ Đắk Nông phát triển các doanh nghiệp lớn, nhất là hỗ trợ để dự án luyện kim Trần Hồng Quân, các dự án điện gió sớm đi vào hoạt động, tạo điều kiện tăng trưởng bền vững nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.