Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo !

Chính trị - Ngày đăng : 09:31, 16/03/2022

Thực hiện Chỉ thị số 25 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về hưởng ứng Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, các cấp hội chữ thập đỏ đã có những hoạt động ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mang tính lâu dài, xuyên suốt.

Động viên tinh thần để vươn lên

Hưởng ứng cuộc vận động, ông Nguyễn Đình Liên, ở xã Nam Bình (Đắk Song) đã nhận hỗ trợ 4 gia đình khó khăn, mỗi tháng 250.000 đồng/hộ; đồng thời hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống. Đến nay, từ sự giúp đỡ, động viên, khích lệ kịp thời của ông Liên và các cấp, ngành, đoàn thể, 3 hộ đã thoát nghèo, còn lại 1 hộ do tuổi cao, mất sức lao động và nuôi cháu nhỏ nên khó có thể thoát được nghèo.

Ông Liên cho biết: “Sự giúp đỡ chỉ là tạm thời, trước mắt, chủ yếu là động viên tinh thần để các hộ gia đình vươn lên. Do đó, mỗi khi rảnh rỗi, tôi đều ghé nhà bà con thăm hỏi, hướng dẫn cách phát triển kinh tế phù hợp độ tuổi, sức khỏe và động viên các gia đình tự lực vươn lên”.

Chị Phan Thị Đường ở tổ dân phố 4, thị trấn Đức An (Đắk Song) mới nhận hỗ trợ chị Đặng Thị Mai, bị bệnh nặng, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mỗi tháng 200.000 đồng. Với tinh thần “của ít lòng nhiều”, chị Đường chỉ mong muốn góp một phần mang lại niềm vui, san sẻ nỗi buồn với phụ nữ nghèo. Thay vì trao hàng tháng, chị Đường đã trao 6 tháng một lần với mong muốn hỗ trợ chị Mai trong mua thuốc, điều trị bệnh.

Khi xã Đắk Lao (Đắk Mil) kêu gọi giúp đỡ các đối tượng không may trên địa bàn, chị Thơ Nguyễn hiện đang sinh sống tại TP.HCM đã đồng tình, nhận giúp đỡ 6 em có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật với số tiền 2,5 triệu đồng/tháng/em và 2 đối tượng bệnh tật, khó khăn 2 triệu đồng/tháng/người. Bên cạnh đó, chị còn tài trợ xây dựng bể bơi cho trẻ em trên địa bàn xã Đắk Lao số tiền 300 triệu đồng.

Nhiều đối tượng là người khuyết tật ở xã Đắk Lao (Đắk Mil) được các tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ hàng tháng để vượt qua khó khăn trước mắt

Huy động nguồn lực hỗ trợ phù hợp

Theo bà Trần Thị Tuyết, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” là chủ trương đúng đắn, thể hiện truyền thống tương thân tương ái của dân tộc. Nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của cuộc vận động, các cấp hội chữ thập đỏ từ tỉnh đến cơ sở đã từng bước phát huy vai trò nòng cốt trong triển khai công tác nhân đạo từ thiện, nhất là tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân.

Cùng với việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo phương châm hướng về cơ sở, các cấp hội còn thường xuyên kịp thời nắm bắt, phân loại các đối tượng cần giúp đỡ, hướng vào các biện pháp trợ giúp cụ thể theo mục tiêu của cuộc vận động. Việc giúp đỡ được công khai, minh bạch, các cấp hội làm cầu nối để kết nối nhà hảo tâm với đối tượng được hỗ trợ.

Kết quả từ năm 2016 đến nay, các cấp hội đã vận động 184 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ hàng tháng cho 492 lượt đối tượng, trị giá gần 3,5 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 20 căn nhà tình thương, 3 cầu dân sinh, 11 giếng khoan, 1 phòng học với tổng trị giá trên 3,56 tỷ đồng. Các địa chỉ nhân đạo cần trợ giúp đều được cập nhật lên hệ thống Inhandao và đã có 2 địa chỉ tại huyện Ðắk Mil được hỗ trợ hàng tháng.

Điều đáng nói, từ năm 2017, Hội Chữ thập đỏ tỉnh không xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng huyện, thành phố mà để các địa phương tự rà soát danh sách các đối tượng và huy động nguồn lực hỗ trợ cho phù hợp. Với tinh thần, trách nhiệm cao, các huyện, thành phố đã khảo sát, trợ giúp 492 lượt địa chỉ nhân đạo, vượt chỉ tiêu đề ra.

Vì vậy, Hội Chữ thập đỏ tỉnh xây dựng chỉ tiêu trong nhiệm kỳ phải thành lập mới ít nhất 300 hồ sơ địa chỉ nhân đạo và thực hiện trợ giúp thường xuyên cho ít nhất 80% số hồ sơ được lập.

Hoàng Hoài